Ngày 6/8, tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình, hồi chuông tưởng niệm bắt đầu đúng vào lúc 8h15. Đây cũng là thời điểm Mỹ thả bom nguyên tử “Little Boy” ("Cậu bé") xuống Hiroshima ngày 6/8/1945, khiến khoảng 140.000 người thiệt mạng Ông Kazumi Matsui (phải), thị trưởng thành phố Hiroshima, dâng bản danh sách cập nhật các nạn nhân của bom nguyên tử, bao gồm cả những người qua đời năm ngoái do ảnh hưởng phóng xạ. Thị trưởng Matsui kêu gọi các nhà lãnh đạo trên thế giới thiết lập hiệp ước quốc tế cấm vũ khí hạt nhân toàn diện và coi đây là cột mốc hướng tới mục tiêu xóa bỏ loại vũ khí nguy hiểm này. Ước tính hơn 14.000 vũ khí hạt nhân vẫn tồn tại trên toàn thế giới. “Nếu nhân loại quên đi lịch sử hoặc ngừng đấu tranh chống vũ khí hạt nhân, chúng ta có thể sẽ lại tạo ra một sai lầm khủng khiếp”, ông Matsui phát biểu. Ông cũng cảnh báo: “Một số nước đang ngang nhiên tuyên bố chủ nghĩa dân tộc vị kỷ và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân, tái châm ngòi cho căng thẳng vốn đã được xoa dịu khi Chiến tranh Lạnh kết thúc”. Thị trưởng Hiroshima cho rằng Nhật Bản cần dẫn dắt cộng đồng quốc tế tới “đối thoại và hợp tác vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân” Lễ kỷ niệm 73 năm diễn ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng cam kết tiến tới phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên trong hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Thị trưởng Matsui bày tỏ hy vọng rằng quan hệ bớt căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên sẽ được tiếp tục qua đối thoại. Đại diện của 85 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU) cũng đã tham dự sự kiện tưởng niệm. Lần đầu tiên trong 3 năm, Mỹ cử đại sứ tại Nhật Bản tới dự Tại lễ tưởng niệm, Thủ tướng Shinzo Abe tuyên bố Nhật Bản sẽ tiên phong hướng tới tạo lập một thế giới không có hạt nhân. Theo Kyodo , với tư cách là nước duy nhất từng chịu thiệt hại từ bom nguyên tử, vai trò trung tâm của Nhật Bản trong tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân toàn cầu đang ngày càng rõ rệt. Dù vậy, giới quan sát nhận định rằng Nhật Bản đã bị bỏ ra bên lề tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên thời gian vừa qua “Duy trì 3 nguyên tắc không hạt nhân, đất nước chúng tôi quyết tâm nỗ lực hết sức để làm cầu nối giữa hai bên”, Thủ tướng Abe cam kết Nhật Bản sẽ nỗ lực làm cầu nối giữa những cường quốc hạt nhân và những nước phi hạt nhân. Ba nguyên tắc thủ tướng đề cập tới bao gồm không sản xuất, sở hữu và cho phép vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Nhật Bản. Đồng thời, ông khẳng định để hai bên hợp tác, điều quan trọng là tất cả mọi người hiểu rõ “hiện thực bi kịch của những vụ tấn công hạt nhân”. Ảnh: Getty. Bất chấp cái nóng oi bức, nhiều người, gồm cả các nạn nhân sống sót, cũng đã tới cầu nguyện cho hòa bình. Yoshinobu Ota, 71 tuổi, tuy không trải qua thảm họa này nhưng ông từng phải chăm sóc người mẹ bị mù và bỏng nặng vì ảnh hưởng của bom nguyên tử. “Mẹ của tôi từng nói bom nguyên tử phá hủy cuộc sống ngay lập tức”, Ota chia sẻ. “Chừng nào các nước còn sở hữu vũ khí hạt nhân thì những vũ khí này sẽ có thể được sử dụng bất kỳ lúc nào. Tôi muốn Nhật Bản tiến tới loại trừ vũ khí hạt nhân” Tomie Makita, 88 tuổi, tới đây mỗi năm vào ngày 6/8 để tưởng nhớ những người bạn đã qua đời. Dù sau nhiều năm, đối với bà, thảm họa bom nguyên tử “vẫn quá đau đớn” để nhớ lại, bà vẫn cảm thấy cần chia sẻ trải nghiệm với con cháu. “Chúng không thể tưởng tượng được thảm họa đã xảy ra thế nào vì nó giống như một thế giới khác, nhưng điều quan trọng là phải kể lịch sử cho chúng biết”, Makita nói. Ảnh: Kyodo. Năm 1945, 3 ngày sau thảm họa tại Hiroshima, Mỹ đã ném quả bom nguyên tử thứ hai xuống Nagasaki khiến hơn 70.000 người thiệt mạng. Hai thảm họa hạt nhân này đánh dấu sự kết thúc của Thế chiến II. Tính đến tháng 3/2018, tại Nhật Bản, số lượng những người sống sót sau thảm họa hạt nhân là 154.859 người, với độ tuổi trung bình trên 82 tuổi. Ảnh: Kyodo. Theo Ngọc Hà (Tri Thức Trực Tuyến)