Đường ray đường sắt đoạn qua cầu Thăng Long và đường hai bên đầu cầu hiện có nhiều thanh tà vẹt (thanh gỗ nằm ngang - vòng tròn đỏ) đỡ đường ray tàu bị xuống cấp, đến thời gian thay nhưng từ đầu năm đến nay chưa được thay thế.
Qua công tác tuần đường, công nhân đường sắt đã phát hiện nhiều thanh tà vẹt xuống cấp đến mức mục rỗng bên trong, cần thay thế khẩn cấp.
Là hạng mục chịu lực và giữ cho tàu chạy an toàn nhưng hiện nay nhiều thanh tà vẹt chỉ cần dùng tay là có thể bóc từng lớp gỗ mục.
Thậm chí, nhiều thanh tà vẹt do mục ruỗng nhiều nên công nhân tuần đường ray đã phải kéo ra khỏi vị trí, bỏ đi để khỏi quấn vào chân (bánh) tàu.
Do mục ruỗng nhiều, nên 5,5 km đường sắt chạy qua cầu Thăng Long có nhiều vị trí trống thanh tà vẹt đỡ lực bên dưới.
Nguyên nhân được các đơn vị đang quản lý, duy tu hệ thống đường sắt cho biết, từ đầu năm đến nay do chưa được Bộ GTVT giải ngân kinh phí bảo trì theo quy định hàng năm, dẫn đến công tác duy tu, sửa chữa hư hỏng đường tàu theo định kỳ không có kinh phí thực hiện. Với các vị trí có nhiều thanh tà vẹt trên đường sắt bị hỏng, mục ruỗng, đơn vị quản lý chỉ biết hoán đổi vị trí các thanh hư hỏng ít sang các vị trí có thanh hư hỏng nhiều. Tại vị trí thanh tà vẹt được đánh số 11 qua cầu Thăng Long (vòng tròn đỏ), đơn vị bảo trì ghi dòng chữ trắng: "Tà vẹt số 13, Nhịp 62 thay sang vị trí tà vẹt số 17/Nhịp 62" cầu Thăng Long.
Tại tuyến đường sắt qua cầu Long Biên, nhiều thanh tà vẹt cũng đang bị hư hỏng, mục ruỗng.
Tại vị trí ô 18, trụ cầu số 10 (vòng tròn), cầu Long Biên, thanh tà vẹt tại đây ngoài mục ruỗng còn không có cả 2 đinh ghim theo quy định, dẫn đến thanh tà vẹt nay đang thường xuyên bị xô lệch.
Nhiều thanh tà vẹt trên đường sắt qua cầu Long Biên được công nhân tuần đường đánh dấu "T" (thay) bằng mực đỏ, nhưng nay mực đã mờ nhưng thanh tà vẹt hỏng vẫn chưa được thay.
Hệ thống thanh sắt giằng, giữ ổn định tà vẹt và đường tàu tại nhiều vị trí trên cầu Long Biên bị hoen gỉ, bong gãy chưa được khắc phục
Trên cầu Long Biên và Thăng Long, hàng ngày đang có hàng trăm chuyến tàu vận chuyển khách và hàng, tuy nhiên do đang bị Bộ GTVT "găm" nguồn kinh phí bảo trì năm 2021, mục đích là muốn chuyển qua khâu trung gian là Cục Đường sắt (các năm vừa qua là chuyển thẳng cho ngành Đường sắt) khiến toàn bộ hệ thống đảm bảo an toàn chạy tàu như đường ray, tà vẹt, hệ thống hạ tầng trên cầu không được sửa chữa theo định kỳ. Về việc này, sau khi Chính phủ yêu cầu, Bộ Tư pháp đã có ý kiến đánh giá: Bộ GTVT làm vậy là trái quy định. Tuy nhiên đến nay Bộ GTVT vẫn "chưa nhả" nguồn vốn này.
Theo Trọng Đảng (Tiền Phong)