Ngày 5/4, UBND TP. Hà Nội đã chấp thuận đề xuất của Sở Xây dựng về việc thay thế hàng cây phong trên dải phân cách tuyến phố Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng bằng cây bàng lá nhỏ, đường kính thân 10-15cm; chiều cao vút ngọn 6-8m
Dự kiến, việc trồng thay thế hệ thống cây xanh mới này sẽ được thực hiện trong tháng 4/2021 và hoàn thành trước dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5/2021. Hàng cây từng được kỳ vọng là biến tuyến phố như "Châu Âu giữa lòng Hà Nội", sau nhiều lần "chết đi sống lại", sẽ được thay thế hoàn toàn trong thời gian tới
262 cây phong do Công ty cổ phần Đầu tư Tân Đại Đường tặng thành phố, được trồng thử nghiệm từ tháng 1/2018. Sau một tháng, hàng cây phong lá đỏ bắt đầu nảy lộc đúng dịp Tết Nguyên đán. Những chồi non vươn mầm lên bầu trời xanh như đỏ rực cả một góc phố
Đến giữa tháng 7/2018, lá phong bắt đầu đổi màu từ xanh, vàng nhạt, vàng cam tới đỏ đậm. Một số lá chết khô, héo úa
Tuy nhiên đến nay, hàng lá phong lại bắt đầu trơ trọi như "cành củi khô"
Trong số 262 cây, tuyến Nguyễn Chí Thanh trồng 119 cây, tuyến Trần Duy Hưng trồng 143 cây. Đến nay, hàng cây được trồng trên tuyến đường giữa Thủ đô này đã xuất hiện nhiều cây chết khô, không còn sức sống
Bước đầu cơ quan chức năng nhận định cây phong chưa thích nghi với điều kiện khí hậu của Hà Nội. Trong đó, 45 cây đã chết, ảnh hưởng đến cảnh quan của tuyến phố
Trong số 217 cây sống, hiện trạng các cây sinh trưởng, phát triển kém. Sau một thời gian, lá bị héo; cành, nhánh bị khô và hay bị sâu bệnh
Nhiều cây lưa thưa một vài lá xanh, nhiều lá đang dần chết khô ngay trên cành cây. Bên dưới hàng cây, thảm thực vật vẫn xanh tốt
Vậy là sau bao kỳ vọng, hàng cây phong lá đỏ sẽ chính thức bị thay thế. Việc trồng cây phong lá đỏ nằm trong chương trình trồng mới một triệu cây xanh của thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020. Thành phố đã hoàn thành sớm mục tiêu trên và trồng thêm được khoảng 600.000 cây xanh, đến cuối năm 2020
Theo Minh Nhân (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)