Thời tiết những ngày cuối tháng 2 ở Bắc Bộ thật đỏng đảnh và... kém dễ thương: mưa phùn, ẩm ướt, lâu lâu lại đính kèm thêm vài ngày nồm. Chưa kể đợt nghỉ Tết kéo dài khiến ai nấy cũng ít nhiều uể oải với những ngày bắt nhịp khó khăn để trở lại cuộc sống thường nhật.
Nhưng kể ra ông trời cũng công bằng lắm, để bù đắp cho những ngày buồn, ẩm ướt đó, ông trời đã mang đến cho những ngày này một hoa bưởi thơm ngan ngát. Và thế là những ngày uể oải ấy trở nên dễ thương hơn biết bao nhiêu.
Cứ độ cuối tháng 2, đường phố Hà Nội bắt đầu xuất hiện những gánh, những xe bán hoa bưởi. Những chùm hoa trắng như mây, cánh hoa trắng tinh, mềm như nhung, nở bung khoe ra chiếc nhị vàng, nổi bật trên cái nền xanh ngọc của đài hoa, tỏa hương thoang thoảng. Mà công nhận, mùi hoa bưởi đặc trưng thật, man mát, dịu dàng nhưng tầng hương rất sâu. Hương hoa cũng vô cùng tao nhã, dễ chịu nên dù khó tính đến mấy cũng khó mà chê được.
Một đặc trưng khác của hoa bưởi là người ta không bán hoa theo bông, theo cành mà bán theo bó, theo... lạng. Trong đó những chùm hoa có cành dài sẽ được chọn bó thành những bó nhỏ xinh, nhưng chùm ngắn, bông rụng sẽ được để riêng ra mẹt và bán theo lạng. Người mua, ai thích cắm bình thì chọn những chùm dài, còn loại hoa lạng đơn giản chỉ cần bày lên đĩa, để ở góc phòng cũng đủ để người ta thấy vui vẻ, thư thái.
Vì mùa hoa bưởi ngắn lắm, cứ hoa xuống phố là các bà, các chị ai ai cũng tranh thủ mua ngay. Chẳng những mua về để cho thơm nhà mà còn các bà nội trợ còn mua về đặt lên bàn thờ, mang đi lễ chùa như một món quà thơm thảo dâng lên ông, bà, tổ tiên.
Cái hay nữa của hoa bưởi là chẳng những có mùi thơm thanh tao, chẳng những chưng lấy mùi mà còn có thể dùng chế biến thực phẩm. Bà nội trợ khéo léo, nếu nhân dịp hoa bưởi đang nở rộ, có thể mua nhiều một chút để ướp chè, ướp bột sắn, làm thành những thức quà dân dã mà vương vấn lòng người.
Có một đoạn ca khúc viết về tháng 2 thế này "Làm sao thổi bay thành phố nhàu nát cũ kỹ, những ngày bắt nhịp khó khăn". Câu trả lời chính là hoa bưởi. Hoa bưởi là loài hoa thanh tao, nhẹ nhàng và đậm hồn quê Việt. Sự có mặt của nó trong độ tiết xuân về, như một món quà tao nhã, và cũng như một dấu hiệu của mùa xuân khiến người ta cứ đến độ lại mong chờ, đón đợi.
Theo Bleu - Thế Đại (Helino)