Sau thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, nhiều hàng quán, người bán hàng rong lại tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để kinh doanh, bán hàng.
Trong quá khứ, dù đã từng nhiều lần ra quân lập lại trật tự đô thị, nhưng lực lượng chức năng Hà Nội cũng luôn đối diện thực trạng, cứ khi tổ công tác rời đi, vỉa hè bị tái lấn chiếm đến đó.
Cấm thì cứ cấm nhưng vỉa hè phố cổ cứ thế trở thành chỗ mưu sinh của các cá nhân, các hộ kinh doanh tràn lan.
Vỉa hè chen cứng, mạnh ai nấy bày gây mất mỹ quan và lấy đi toàn bộ không gian chung như thể "phố này nhà chị mua".
Việc “làm sống lại” ý thức tự giác của người dân, các hộ kinh doanh mới là việc làm tốn công sức và thời gian, bởi việc coi vỉa hè, đất công trước cửa nhà là của “tư” đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người.
Không có vỉa hè thì lòng đường lại trở thành chỗ đi bộ duy nhất, ông Nguyễn Bá Khải ở quận Hoàn Kiếm cho biết: "Đi bộ xuống lòng đường thế này rất là nguy hiểm, nhiều lúc buổi sáng muốn đưa cháu đi dạo phố mà nơm nớp lo sợ".
Hiện nay vỉa hè là nơi mưu sinh cho rất nhiều gia đình. Do vậy, việc đề ra biện pháp quản lý vừa phải phát huy tác dụng vừa phải hài hòa lợi ích của người dân. Đã rất nhiều trường hợp chống đối lực lượng chức năng khi các chiến dịch bảo vệ vỉa hè được triển khai trước đây.
Theo quy định, tối thiểu phải dành ra 1,5 m vỉa hè cho người đi bộ nhưng nhiều người vẫn thản nhiên đỗ xe hết phần lớn vỉa hè. Thậm chí khoảng trống nhỏ hẹp còn lại cho người đi bộ trên vỉa hè cũng bị chặn đứng bởi các hàng ăn, quán nước.
Tại phố Hàng Mã, các phương tiện thản nhiên dựng đỗ trên vỉa hè và cả dưới lòng đường trong sự thờ ơ của các cơ quan chức năng.
Việc sai phạm kéo dài nhiều năm đã trở thành "một nét văn hóa". Ông Nguyễn Văn Mạnh sống ở phố Hàng Đường đã 50 năm nay hóm hỉnh chia sẻ: "Giờ đến hết đời tôi mà bỗng thấy một ngày vỉa hè phố cổ này không còn xe cộ thì chắc tôi sẽ mời cả họ hàng lên chiêm ngưỡng".
Theo Nhật An - Tuấn Minh (Trí Thức Trẻ)