Ở Hà Nội, những quán cà phê mọc ngay sát đường ray tàu, từ phố Điện Biên Phủ đến Phùng Hưng thu hút đông đảo khách du lịch dẫu cho những nơi đó đã treo biển cảnh báo nguy hiểm nhưng các hộ kinh doanh cũng như du khách vẫn thản nhiên "giỡn mặt với tử thần" và xem đó như một thú vui tao nhã.
Ở mỗi tuyến phố giao nhau với đường sắt đều được treo biển cảnh báo cũng như không cho phép các hoạt động kinh doanh, tụ tập đông người tại khu vực tàu đi qua này. Tuy nhiên dường như những biển cấm này không có tác dụng khi các cửa hàng kinh doanh cafe mọc lên ngày càng nhiều và thu hút khách du lịch.
Tuyến đường sắt Bắc-Nam đoạn từ ga Hà Nội (ga Hàng Cỏ) đi qua khu vực nội đô có hành lang đường sắt "siêu hẹp" vì nhà dân san sát hai bên, nhiều hộ dân tận dụng khoảng trống đó làm nơi kinh doanh. Tuyến đường sắt chạy qua một số tuyến phố như Phùng Hưng, Trần Phú, Khâm Thiên, Lê Duẩn, đường Giải Phóng luôn tấp nập du khách trong và ngoài nước, đa phần là những người trẻ truyền tai nhau đến đây vừa thưởng thức cafe vừa ngắm tàu hỏa đi qua.
Sở dĩ nơi đây luôn tấp nập du khách ra vào là bởi những người dân sinh sống lâu năm ở đây đã quá quen thuộc với giờ giấc của từng chuyến tàu. Giờ nào tàu đi, tàu về, đi hướng nào,về hướng nào họ đều nắm rõ trong lòng bàn tay.
Mỗi khi có tín hiệu tàu, họ lại hô hoán du khách đứng lui vào phía trong cho tàu đi qua. Chắc có lẽ đó là điều đặc biệt thu hút khách du lịch đến để trải nghiệm.
Mỗi khi tàu đi qua mọi thứ lại trở về như cũ, người dân chọn đường ray tàu làm nơi trò chuyện bởi chẳng còn nơi nào khác thoáng mát và đời thường như ở đây.
Khi tiếng còi tàu vang lên từ đằng xa, các du khách hai bên đường ray đã chọn sẵn cho mình chỗ đứng thích hợp với đủ loại phương tiện như máy ảnh, máy tính bảng, điện thoại để ghi lại khoảnh khắc chuyến tàu lướt qua.
Theo ghi nhận của phóng viên, khoảng cách đứng tránh tàu ở đây chỉ khoảng chưa đến 1 mét, nhiều chỗ, khách chỉ cách đoàn tàu chừng 0,4 mét, rất nguy hiểm.
Nhiều dù khách bất chấp tính mạng, đổ người ra sát đường ray để chụp ảnh đoàn tàu đi ngang qua.
Bên cạnh đó, phía dưới đường ray thường xuyên là nơi để du khách thỏa sức tạo dáng chụp ảnh. Khi có những chủ cửa hàng sẵn sàng nhắc nhở có tàu đi qua nên du khách rất nải mê.
Việc ngồi thoải mái như thế này vẫn thường xuyên diễn ra.
Từ lâu người dân sống cạnh đường ray đã quá quen với việc có tàu qua lại, dù biết nguy hiểm có thể xảy đến lúc nào nhưng cũng chẳng còn cách nào khác vì đâu có phố.
Có nhiều thế hệ sinh sống ở nới này, từ người già đến trẻ nhỏ, họ đều gắn liền tuổi thơ của mình bên cạnh đường ray tàu.
Nếu đến thăm phố đường tàu bạn sẽ thấy nhà nào cũng bếp núc nấu nướng ngay cạnh đường ray tàu. Bất đắc dĩ vì diện tích bên trong những ngôi nhà này chật hẹp nên mọi sinh hoạt đều diễn ra lộ thiên như vậy.
Thay vì nghĩ đến lo sợ, những cư dân phố đường tàu này hằng ngày vẫn rất vui vẻ, lạc quan dù phải sống trong những căn nhà chỉ độ chục mét vuông.
Dù đêm hay ngày, nơi đây vẫn luôn tấp nập người qua lại. Vòng quay cơm, áo, gạo , tiền khiến họ chẳng màng đến hiểm nguy nơi mình đang sinh sống.
Theo Gia Đoàn (Helino)