Nhóm phóng viên Nhật Bản đang dùng dụng cụ trực quan để giải thích về hội nghị Mỹ - Triều, tối ngày 26/2. Theo thông tin chính thức, có tới 3.000 phóng viên nước ngoài từ 40 quốc gia đến đưa tin Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều ngày 27-28/2 tại Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Trang. Nhiều phóng viên tận dụng sự bận rộn đằng sau mình làm nền khi lên hình trực tiếp. Các phóng viên trong và ngoài nước đưa tin về hội nghị được trang bị không gian, thiết bị, bữa ăn tại trung tâm báo chí quốc tế ở Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Xô. Ảnh: Quỳnh Trang. Phóng viên người Đức đang nhờ phóng viên Việt Nam dịch lại đoạn phỏng vấn người Việt về hội nghị thượng đỉnh lần này. Anh chia sẻ anh cũng biết một chút tiếng Việt nhưng chưa đủ để dịch lại được toàn bộ. Ảnh: Quỳnh Trang. Thời điểm chuyên cơ Air Force One của Tổng thống Mỹ Donald Trump đáp xuống sân bay Nội Bài lúc 20h53 tối 26/2 cũng nhận được sự chú ý của đa số phóng viên tại đây. Các phóng viên đồng loạt hướng về màn hình màu đen (trái) truyền trực tiếp hành trình của tổng thống Mỹ. Ảnh: Quỳnh Trang. Một phóng viên nữ đã nhanh tay phát trực tiếp (livestream) qua điện thoại đồng thời tường thuật khung cảnh bên trong trung tâm báo chí, trong khi các phóng viên khác lấy máy ảnh chụp lại màn hình TV. Ảnh: Quỳnh Trang. Một phóng viên đang chụp lại khoảnh khắc Tổng thống Trump bước ra từ chuyên cơ Air Force One, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử một tổng thống Mỹ hai lần đặt chân đến Việt Nam trong nhiệm kỳ của mình. Ảnh: Quỳnh Trang. Phóng viên khác đã không bắt kịp hình ảnh trực tiếp trên TV nhỏ, đã sử dụng hình ảnh phát lại trên màn chiếu lớn của trung tâm báo chí. Ảnh: Quỳnh Trang. Anh Lan Vu, phóng viên của một trang tin cho cộng đồng người Việt tại Mỹ, tự đặt máy quay và tường thuật không khí tại trung tâm báo chí khi Tổng thống Trump đáp xuống Hà Nội. Anh cho biết cách làm việc thế này khá hiệu quả khi có ít người, nhưng anh lại không thể theo được hết các sự kiện. Vì vậy anh phải chọn lọc những sự kiện hợp lý để đưa tin. Ảnh: Quỳnh Trang. Phóng viên Bob Costantini của Westwood One News thuộc đoàn báo chí Nhà Trắng, lẽ ra đi Air Force One đến Việt Nam, nhưng ông đến trước một ngày. 10h tối, ông vẫn liên tục nghe điện thoại một cách căng thẳng. “Múi giờ Washington cách đây 12 giờ, nên bây giờ là giờ vàng cho radio bên Mỹ, vì người ta đang lái xe đi làm”, ông giải thích. Dự đoán cho hội nghị thượng đỉnh, ông cho rằng Tổng thống Trump đã cố làm giảm kỳ vọng và nói mình “không vội” trong đàm phán, còn các quan chức đã nhắc đến cuộc gặp thứ ba. “Một điều lạ là ông Trump im lặng, không vào nói chuyện với phóng viên suốt chuyến bay tới Việt Nam, cũng không viết tweet nào”, ông nói. Ảnh: Quỳnh Trang. Cứ sau vài chúc phút, tại trung tâm báo chí lại vang lên tiếng tường thuật to, rõ, không ngắt quãng, của một số phóng viên đang thu âm một bản tin để gửi về cho tòa soạn. Ảnh: Quỳnh Trang. Quá 10h tối, các kỹ thuật viên của một hãng tin Mỹ có 46 ban ngôn ngữ khác nhau đang thu dọn thiết bị. Vì các kênh ngôn ngữ được phát ở các nước khác nhau ở những múi giờ khác nhau, họ sẽ phải lên hình trực tiếp cho ban tiếng Farsi (Iran) lúc 12h30 đêm và ban tiếng Nga lúc 1h sáng (giờ Việt Nam), rồi các kênh Châu Phi vào sáng sớm. “Tất cả các ban đều chú ý đến hội nghị này, và có tới 7 ban ngôn ngữ cử phóng viên trực tiếp đến đây”, đại diện hãng tin này chia sẻ. Ảnh: Quỳnh Trang. Bên ngoài trung tâm báo chí, một phóng viên truyền hình Mỹ vẫn túc trực sau khi dựng studio ngoài trời với đầy đủ các thiết bị chiếu sáng và phông nền màu xanh biểu tượng của hội nghị Mỹ - Triều tại Hà Nội. Ảnh: Quỳnh Trang. Một đài truyền hình Nhật Bản vẫn tiếp tục ghi hình trước trung tâm báo chí dù đã 23h và trời lất phất mưa. Ảnh: Quỳnh Trang. Theo Quỳnh Trang - Trọng Thuấn (Tri Thức Trực Tuyến)