Ngày 7/5, ông Emmanuel Macron, 39 tuổi, đã đắc cử tổng thống Pháp. Ông trở thành tổng thống Pháp trẻ nhất trong lịch sử và là lãnh đạo ít tuổi nhất kể từ thời Napoleon.
|
|
Emmanuel Macron sinh ngày 21/12/1977 tại Amiens, một thành phố ở miền bắc nước Pháp trong một gia đình có cha và mẹ đều là bác sĩ. Hai em của ông đều theo nghiệp bố mẹ và trở thành bác sĩ. Riêng Macron theo học triết học tại Đại học Nanterre, bước vào Học viện Khoa học Chính trị (Sciences Po) rồi Trường Quốc gia Hành chính (ENA). ENA là ngôi trường danh giá từng đào tạo ra nhiều chính khách của nước Pháp. Ảnh: The Quebec Times. |
|
Sau khi tốt nghiệp, Macron làm việc tại ngân hàng Pháp Rothschild & Cie. Công việc của ông là thương thuyết và đàm phán về các hợp đồng. Thành tựu lớn nhất của Macron trong thời gian làm ở ngân hàng là sắp xếp thành công phi vụ trị giá 11,8 tỷ USD để Nestlé SA mua lại ngành hàng sản phẩm trẻ em của Pfizer Inc. Dù vậy, cho đến lúc đấy, Macron vẫn là một cái tên vô danh. Năm 2012, ông lần đầu bước vào chính trường với vị trí phó thư ký trong Điện Elysee, một thành viên trong nhóm trợ lý của Tổng thống Francois Hollande. Ảnh: AP. |
|
Năm 2014, ông được bổ nhiệm là bộ trưởng Kinh tế, Công nghiệp và Dữ liệu Số. Thách thức của ông khi đó là khôi phục nền kinh tế Pháp đang chịu mức tăng trưởng khong trong 3 năm liên tiếp. Thành tựu lớn nhất của Macron thời làm bộ trưởng là "Loi Macron", chính sách tự do hóa nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng. Chính sách này bị cả công chúng lẫn quốc hội phản đối vì cho rằng nó đi ngược các giá trị xã hội của nước Pháp và quá "thân doanh nghiệp", đến nỗi sau đó thủ tướng khi đó, ông Manuel Valls, phải dùng một quy trình đặc biệt trong hiến pháp để thúc đẩy thông qua luật. |
|
Trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy ở khắp nơi, kể cả nước Pháp, Macron luôn thể hiện ông là một người ủng hộ ý tưởng về Liên minh châu Âu. Ông thậm chí kêu gọi các học giả, nhà khoa học và doanh nhân Mỹ hãy chuyển đến Pháp nếu cảm thấy hoang mang về nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Reuters. |
|
Tháng 4/2016, Macron thành lập đảng chính trị của riêng ông, En Marche! (tạm dịch: Tiến lên!). Bốn tháng sau, ông từ chức khỏi nội các của Tổng thống Francois Hollande và thông báo sẽ ra tranh cử tổng thống. Hollande, người từng nói rằng Macron là "đứa con trai mọi gia đình đều muốn có", giờ đây thừa nhận: "Cậu ấy đã phản bội tôi một cách có phương pháp". Ảnh: Reuters. |
|
Trong chiến dịch tranh cử, Macron thường miêu tả ông là một ứng viên "không hữu, cũng chẳng tả khuynh", chỉ là một người "vì nước Pháp". Quan điểm này có thể được minh chứng qua việc Macron vừa ủng hộ các doanh nghiệp làm ăn, vừa tả khuynh trong các vấn đề xã hội như ủng hộ tự do biểu đạt tôn giáo ở những nơi thế tục, ủng hộ bình đẳng và nhập cư. Trong cuốn sách Revolution xuất bản tháng 11/2016, Macron tự nhận mình là một người cánh tả và tự do. |
|
Đối thủ của Macron trong cuộc bầu cử vừa qua là Marine Le Pen, lãnh đạo của đảng Mặt trận Dân tộc cực hữu. Bà Le Pen chủ trương "đặt nước Pháp trên hết", chống lại làn sóng người nhập cư và toàn cầu hóa. Trong cuộc tranh luận trên truyền hình trước vòng 2 cuộc bầu cử, Le Pen cáo buộc Macron là "kẻ phụng sự các doanh nghiệp" trong khi bà là "ứng viên của nhân dân" |
|
Ngày 5/5, chỉ vài giờ trước "lệnh giới nghiêm" chuẩn bị cho ngày bầu cử, nhóm quản lý chiến dịch của Macron tuyên bố họ là nạn nhân của một vụ tấn công mạng quy mô lớn nhằm đánh cắp và phán tán các email nội bộ của nhóm. Khoảng 9 GB dữ liệu đã được một tài khoản tên EMLEAKS đưa lên Pastebin, một trang web cho phép chia sẻ thông tin một cách nặc danh. Luật Pháp cấm mọi hình thức vận động tranh cử trong vòng 24 giờ trước ngày bầu cử. Ảnh: Reuters. |
|
Tối 7/5, các kết quả kiểm phiếu sơ bộ đều cho thấy Macron sẽ trở thành tổng thống Pháp tiếp theo. Thủ tướng Pháp Bernard Cazeneuve cũng lên tiếng xác nhận ông Macron đã chắc chắn giành chiến thắng. Macron sẽ trở thành tổng thống trẻ nhất trong lịch sử Pháp và là nhà lãnh đạo trẻ nhất kể từ thời Napoleon. Ông sẽ nhậm chức vào ngày 14/5 tới. Macron đã bước lên sân khấu tuyên bố thắng cử dưới nhạc nền của ca khúc Ode To Joy (Khải hoàn ca), bài hát chính thức của Liên minh châu Âu. |
Theo Phương Thảo (Tri Thức Trực Tuyến)