Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, TP Huế sẽ được mở rộng quy hoạch từ 1/7, điều chỉnh địa giới hành chính cấp huyện và sắp xếp, thành lập các phường để đưa Huế trở thành TP trực thuộc Trung ương trong giai đoạn 2021-2030.
Trong ảnh khu trung tâm đô thị sầm uất bậc nhất TP Huế, đây cũng là trung tâm hành chính, của cả tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tuy nhiên, từ ngày 1/7, địa giới hành chính TP Huế không chỉ dừng lại ở các khu trung tâm, nội thành Huế mà được tiếp nhận thêm 13 xã phường, thị trấn của thị xã Hương Thủy, thị xã Hương Trà và huyện Phú Vang.
Các khu vực sắp được sáp nhập có địa hình nằm ven các con sông và đang có tốc độ phát triển đô thị nhanh chóng trong thời gian qua.
Từ 1/7, sau khi được mở rộng, TP Huế sẽ có 29 phường và 7 xã. Diện tích TP Huế rộng từ hơn 70km2 lên hơn 265 km2.
Với cơ cấu đô thị mới được nới rộng, dân số TP Huế từ trên 354.000 người cũng sẽ tăng lên 652.000 người.
Đô thị TP Huế nhìn từ Sông Hương. Theo quyết định số 241 về phê duyệt kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021-2030 của Thủ tướng, Thừa Thiên Huế dự kiến trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Khu vực lõi TP Huế, nơi có sân vận động Tự do với sức chứa khoảng 25.000 chỗ ngồi.
Một góc khu Trung tâm hành chính TP Huế.
Dọc Sông Hương thơ mộng được quy hoạch đường hoa, bến cảng với những công trình công cộng, cây xanh bắt mắt. Theo quy hoạch, Thừa Thiên Huế dành 101,73 ha làm đất công cộng, trong đó đất công viên 40,32 ha; không gian xanh 31,54 ha; công viên chuyên đề 26,83 ha; đất quảng trường 3,04 ha.
Sông Hương chảy qua TP Huế có 5 cây cầu lớn, trong đó điểm nhấn là cầu Trường Tiền. Hai bờ sông Hương trong tương lai sẽ được tổ chức thành 5 cụm trung tâm, gồm khu vực trung tâm TP Huế và 4 khu vực phụ trợ Phường Đúc, Thủy Biều, Vọng Cảnh, Tiên Nộn. Chiều rộng mỗi bên sông tiếp cận đến các tuyến đường dọc hai bờ sông hoặc cách mép bờ sông mỗi bên trung bình khoảng 100 m (bao gồm cồn Hến và cồn Dã Viên).
Cầu Trường Tiền được xem là biểu tượng và trung tâm cố đô, kết nối hai bờ Nam - Bắc. Công trình hoàn thành năm 1899 dưới thời vua Thành Thái, dài khoảng hơn 400 m tính từ hai mố, lòng cầu rộng 6 m. Vào mùa Hè, đầu cầu những cây phượng cổ thụ đỏ sắc hoa.
VIDEO: Thành phố Huế mở rộng từ 1/7 (Thanh Sơn)
Sông Hương thơ mộng, nơi nhiều người dân TP Huế và du khách được trải nghiệm chèo thuyền.
Theo quy hoạch đô thị TP Huế đến năm 2030, các tuyến đường trung tâm đô thị được điều chỉnh rộng hơn và xây dựng các thiết bị đô thị tiện lợi cho khách sử dụng xe và người đi bộ; tạo các tuyến đường có tính biểu tượng.
Những con đường trong Trung tâm TP Huế ngập sắc hoa và khá vắng vẻ trong những ngày hè và ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Khu kinh thành Huế, đây cũng là điểm nhấn của TP Huế, nơi thu hút khách du lịch tham quan.
Kinh thành Huế có hình gần vuông với chu vi vòng thành hơn 10 km, tường thành dày 21,5 m, cao 6,6 m, được xây khúc khuỷu với những pháo đài bố trí cách đều nhau.
Một tuyến đường tràn ngập cây xanh trong trung tâm TP Huế.
Chùa Thiên Mụ, nằm bên bờ sông Hương, một trong những điểm nhấn khi nhắc tới TP Huế, nơi đây thu hút du khách tới thăm bởi những câu chuyện lịch sử và kiến trúc độc đáo. Chùa được xây dựng vào năm 1601, vào đời chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Chùa còn có tên gọi là Linh Mụ, nằm trên đồi Hà Khê, thuộc phường Kim Long, cách trung tâm TP Huế khoảng 5 km về phía Tây. Chùa Thiên Mụ có hướng nhìn ra dòng sông Hương, đây được xem là một trong những ngôi chùa cổ nhất ở Huế.
Toàn cảnh TP Huế nhìn từ trên cao.
Trong 5 năm tới, TP Huế sẽ được ưu tiên phát triển, mở rộng về hướng biển, theo trục cảnh quan hai bờ sông Hương, bao gồm TP Huế hiện hữu (71 km2) và hai xã của thị xã Hương Thủy, sáu xã thuộc thị xã Hương Trà, năm xã, thị trấn của huyện Phú Vang. Tổng diện tích sau mở rộng khoảng 270 km2.
Giai đoạn 2025-2030, TP Huế được xây dựng, phát triển theo ranh giới đồ án quy hoạch chung với quy mô khoảng 348 km2. Trong đó, khu vực TP Huế hiện nay và khu đô thị mới An Vân Dương sẽ là đô thị trung tâm với tổng diện tích khoảng 8.200 ha. TP Huế sẽ được ưu tiên phát triển đô thị theo trục Bắc - Nam và chỉnh trang đô thị tại các khu dân cư hiện hữu với bốn đô thị phụ trợ Hương Thủy, Thuận An, Hương Trà, Bình Điền.
Theo Thanh Sơn (Tổ Quốc)