Tại Đền Quán Thánh vào lúc 8 giờ sáng ngày mùng 1 tháng 7 âm lịch, nhiều người tranh thủ đi lễ trước giờ đi làm. Anh Nguyễn Thế Cường cho biết: "Hôm nay là ngày đầu tháng cô hồn, gia đình tôi luôn có thói quen nhắc nhở nhau đi lễ đền chùa, vừa để cầu khấn, vừa để thanh thản trong lòng".
Đồ lễ được mọi người chuẩn bị đầy đủ trước khi tới chùa. Xuất phát từ việc người xưa cho rằng: Ngày Rằm tháng 7 hằng năm thì mọi tội nhân cõi âm, trong đó có những vong linh của gia đình, họ tộc mình đang bị giam cầm nơi địa ngục được xá tội và ra khỏi âm phủ lên dương gian. Bởi vậy, các gia đình ở dương gian làm cỗ bàn, vàng mã cúng gia tiên, cầu siêu độ trì cho họ.
Trong tình hình dịch bệnh Covid 19 đang có những diễn biến phức tạp, người dân đi lễ có ý thức đeo khẩu trang cẩn thận.
Hàng năm, người Việt cúng cô hồn kéo dài một tháng, tùy thuộc vào từng gia đình, từng vùng miền khác nhau chứ không ấn định riêng một ngày nào. Người dân cũng quan niệm rằng, tháng cô hồn là tháng ma quỷ, không đêm lại may mắn nên hầu hết các công việc cưới hỏi, khởi công xây dựng, mua sắm, đi xa, ... đều tránh tháng 7.
Ở Việt Nam, cúng cô hồn là một tín ngưỡng tâm linh truyền thống được truyền từ đời này qua đời khác. Nhiều người cho rằng, con người có hai phần: hồn và xác. Một người mất đi nhưng phần hồn vẫn còn tồn tại. Có người được đầu thai chuyển kiếp, có người bị đày vào địa ngục làm quỷ đói nhũng nhiễu dương gian. Vì vậy, các gia đình cúng cô hồn để cầu bình an, làm ăn thuận lợi.
Theo Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, không có tháng nào gọi là tháng cô hồn trong kinh điển của Phật giáo. Cúng Rằm tháng 7 để tri ân, báo hiếu tổ tiên, ông bà, cha mẹ, trên tinh thần của Phật giáo là yêu thương muôn loài, nên khi cúng người ta cúng cả cho những cô hồn không mồ mả, không con cháu hương hoả.
Theo Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm, từ cô hồn chỉ là một ý nhỏ trong một lễ lớn của Phật giáo. Phật giáo có bốn ơn lớn: Ơn tam bảo; ơn quốc gia xã hội; ơn cha mẹ sinh thành và thầy cô dạy bảo; ơn tất cả mọi loại chúng sinh. Riêng tháng 7 âm lịch, Phật giáo nặng về ơn cha mẹ sinh thành nhất, vì vậy mới có quan niệm: “Cúng cả năm không bằng Rằm tháng 7”.
Những dịp lễ lớn như tháng cô hồn, việc phóng sinh đã trở thành một phong tục lâu đời. Phóng sinh là một hành động và nghi lễ truyền thống trong Phật giáo chỉ về cách thực hành để cứu súc vật, chim chóc, cá khỏi bị giết hại hay giam nhốt. Phóng sinh là trao cho sinh vật nào đó cơ hội tiếp tục sống. Tuy nhiên trong môi trường túi nilon, trong lồng chim cắm nhang khói thì thường các sinh vật này sẽ sớm chết đi.
Phía trong Đền Quán Thánh, những người đi lễ sờ chân tượng Huyền Thiên Trấn Vũ. Theo như sự tích được ghi chép ở đền thì Huyền Thiên Trấn Vũ là thần trấn quản phương Bắc đã nhiều lần giúp nước Việt đánh đuổi ngoại xâm. Lần thứ nhất vào đời Hùng Vương thứ 6 đánh giặc từ vùng biển tràn vào, lần thứ hai vào đời Hùng Vương thứ 7 đánh giặc Thạch Linh.
Những khách đi lễ xem bảng tranh nhân quả trước sân chùa. Trong tranh có ghi chép lại những lời răn mọi người sống tốt hơn, ví dụ như: "Nhân: Đa tình, dâm đãng - Quả: Rối loạn giới tính, gia đình con cháu tan vỡ".
Theo Hoà thượng Thích Bảo Nghiêm, đạo Phật khuyên rằng, ngày nào cũng là ngày tốt, tháng nào cũng là tháng tốt và không có ngày, tháng nào xấu. Ngày xấu hay ngày tốt đều do quan niệm mà ra. Trong mỗi người bao giờ cũng có những phước đức, nếu có tâm, tích phước thì ma quỷ cũng phải sợ. Thay vì những kiêng kị không có cơ sở, mọi người nên làm điều thiện, tích đức.
Theo Việt Phố Cổ (Pháp luật & Bạn đọc)