Trở thành nông dân bất đắc dĩ
Cứ khoảng 5h sáng mỗi ngày, đều đặn suốt 8 năm nay, bà con khu quận 2 thường thấy vài người đàn ông cởi trần lang thang ở các con rạch ven đường tại xóm tạm cư phường An Lợi Đông. Họ vừa xem con nước, vừa cầm lưới đánh cá.
Một trong số đó là ông Lê Văn Hơn cùng các con trai của mình đang đi bắt cá sớm cho kịp giờ nước lên. Gia đình ông là một trong bốn hộ còn bám trụ lại ở khu đất Thủ Thiêm này sau nhiều năm giải tỏa.
Ông Hơn vốn là người dân Thủ Thiêm gốc. Còn hai người đồng hành của ông (là con trai thứ và con rể) đều là thợ may và công nhân. Có an cư thì mới lạc nghiệp, nên việc bị giải tỏa rồi di chuyển nơi ở liên tục đã làm họ không thể yên lòng tiếp tục công việc hàng ngày của mình.
"Thời trẻ làm đủ thứ nghề vất vả, ai dè nay về già lại được làm nông dân tiếp", ông cười.
Điều đặc biệt, địa điểm họ quăng lưới lại là những dòng kênh đen sì còn sót lại chỉ cách các khu nhà biệt thự, chung cư cao cấp gần đó chưa tới 200 m.
Dòng sông Sài Gòn rẽ nhánh vào đây đã mang theo cả tôm cá và số lượng lớn bùn đất. Để bắt được cá ở khu vực này phải đi băng qua một khoảng rậm rạp cây dại cao tới lưng người, lội bùn sâu tới bắp vế. Việc giẫm phải những mảnh chai, mảnh sành hay bị cây cứa đứt tay chân là chuyện thường xuyên xảy ra.
Nước con kênh đen ngòm và bốc mùi khi mùa hè nóng nực. Thời điểm mới đầu họ đi bắt cá hầu như ai cũng bị bệnh về da liễu và mắt.
Cá ở đây đa phần là trê và rô phi. Để bắt được chục con cá cả ba người đàn ông phải mất cả một buổi sáng. Tấm lưới của họ đã rách nhưng chưa có tiền mua nên rất hay bị lọt cá ra ngoài.
Việc bắt cá hoàn toàn bằng tay, có những lúc cá rúc vào bùn phải mất cả tiếng mới tóm được một con.
Hình ảnh ba người đàn ông đen đúa bắt cá dưới dòng kênh dễ làm người ta liên tưởng tới truyện ngắn Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi. Thế nhưng ở đây không còn đất, gia đình ông Hơn trong 8 năm qua đã sống dựa vào dòng kênh chảy trên mảnh đất nghìn tỷ đang đợi ngày xây dựng chẳng biết khi nào sẽ biến mất.
"Con to thì để cho người, con nhỏ mình để nấu mười người ăn" - cả buổi sáng được tầm 5 kg cá, một ít giữ lại cho nhà còn đâu các ông mang bán cho bà con trong xóm. Với mức giá rẻ bằng một nửa giá chợ, sau mỗi buổi kéo lưới của ông Hơn thì cả xóm đều có cá ăn, mấy người con dâu của ông cũng thành thạo làm cá từ khi nào không biết.
Trồng rau giữa trung tâm mới của Sài Gòn
Khu vực đất trống quanh nhà cũng được ông Hơn tận dụng để trồng rau cho bữa ăn hàng ngày. Người con trai cả Lê Văn Cảnh trước đây là thợ sửa xe máy nhưng từ ngày về khu tạm cư thì không còn khách nào nên giờ anh cũng trở thành một nông dân trồng rau lành nghề không cần thầy dạy.
Ông Hơn tự hào cho rằng rau ở đây sạch nhất Sài Gòn.
Nhiều hộ gia đình do không chịu được cảnh sống tách biệt giữa cánh đồng cỏ hoang dã thiếu thốn này đã bỏ đi gần hết dù chưa nhận được đền bù, từ 200 thành viên nay chỉ có chưa tới 25 người còn trụ lại.
Những dãy nhà bỏ hoang trơ trọi được anh Tuấn tranh thủ rào lại để nuôi đàn gà. Gà ở đây chỉ nuôi trong chuồng mà không dám thả ra ngoài vì sợ mất. Do đó để có gà bán họ mất khá nhiều thời gian.
Gia đình bà Nguyễn Thị Hường (64 tuổi) là hộ đầu tiên xuất hiện ở khu tạm cư này cách đây 10 năm. Trước đây khi nhà còn ở cầu Cá Trê, bà là chủ một cửa hàng buôn bán, thu nhập một tháng cả chục triệu. Hiện, bà là chủ của những cây hoa dại tự nhặt về để trồng trước nhà. Công việc chính của bà hàng ngày là trồng cây, hái mướp và cho lũ chó hoang ăn cơm.
"Ở đây không trồng hoa thì có trầm cảm mà chết", bà Hường cười lớn.
Còn bà Lê Thu Loan, hàng xóm đối diện của bà Hường lại không tích cực được như thế. Mỗi khi nói đến gia cảnh của mình bà lại khóc. Khóc vì bà vẫn ngỡ ngàng khi mọi chuyện đến với mình bất công đến thế. Từ chủ một cửa hàng bán đồ xây dựng thu nhập tốt, nay bà thành một cụ già nông dân hàng ngày hái rau muống dại ăn cho qua bữa.
Trong câu chuyện của bà, hy vọng dường như là điều xa xỉ.
Gia đình anh Lợi - chị Minh may mắn hơn khi cả hai đều có việc làm. Anh thì lái taxi còn chị làm công nhân, cứ thay phiên nhau đi làm vì ở nhà còn trông đất. Gia đình anh cũng có một dàn mướp nhỏ với mấy cây rau cho bữa ăn hàng ngày. Khu tạm cư không có chợ, để mua được đồ họ phải đi ra tận khu chợ ở đường Trần Não cách đó vài cây số với giá khá cao so với thu nhập của mình.
'Sống khổ nên quen, sướng không chịu được'
Những ngày nắng thì không sao, nhưng những ngày mưa thì ngập rất nhanh vì hệ thống điện, nước ở khu vực này hầu như chẳng ai còn ngó ngàng tới. Nếu không nhanh tay thông cống, thì chỉ cần một cơn mưa nhỏ đã ngập tới đầu gối. Cộng thêm nguồn nước có thể mất bất cứ lúc nào nên ai cũng tranh thủ hứng nước mưa để sinh hoạt.
Mọi người vẫn hay tếu táo đùa nhau: "Sống khổ quen rồi, sướng không chịu được".
Các hộ gia đình ở đây hầu như không có bếp. Họ tận dụng mọi nơi có thể để làm bếp và chứa đồ vì mọi thứ đã xuống cấp không còn cải tạo được. Một bữa cơm trọn vẹn trong căn bếp của mình là điều mà mười năm nay những người dân nơi này chưa từng có.
Mọi người sống ở đây đều đùa nhau rằng muốn giảm cân hay tăng tuổi thọ thì phải ăn theo chế độ tạm cư. Chế độ đó là rau hái vườn nhà, cá thịt hầu như không có, vì đơn giản họ không có tiền. Dăm ba miếng thịt mỡ hay con cá tép nấu cơm là xong bữa.
Thời gian rảnh rỗi trong ngày, họ lại lấy giấy tờ đất ra để xem và đối chiếu cùng những thông tin của báo đài. Từ thất vọng, hy vọng, giờ mọi thứ đã trở thành quán tính, như thói quen hàng ngày với người dân nơi đây.
Thủ Thiêm đang từng ngày khoác lên mình tấm áo lộng lẫy, nhưng cũng từ đó khoảng cách giữa hai lớp cư dân ngày càng giãn nở. Trong khi tầng lớp trung lưu bỏ tiền tỷ mua những căn hộ cao cấp, tìm cách để hoàn thiện cuộc sống hiện đại của mình thì ngay dưới chân ngôi nhà của họ, phần còn lại đang loay hoay trong mỗi bữa ăn.
Theo Hoàng Việt (Tri Thức Trực Tuyến)