Hong Kong gần như tê liệt vào ngày 16/9 khi siêu bão Mangkhut đổ bộ. Cửa kính nhiều nhà cao tầng vỡ vụn trước sức gió có lúc đạt đến 195 km/h. Đây là cơn bão có sức gió kinh hoàng nhất từng đổ bộ vào Hong Kong kể từ bão Hy vọng năm 1979. Trong ảnh, cảnh tượng tan hoang của tòa cao ốc One Harbourfront chiều 16/9 sau khi cơn bão đi qua Chiều tối 16/9, dù gió đã yếu đi, mảnh cửa kính và vật liệu xây dựng bị gió thổi bay đã rơi vung vãi trên nhiều tuyến phố và gây nguy hiểm, theo mô tả của South China Morning Post . Trước đó, chính quyền Hong Kong trong vòng 8 tiếng, từ lúc 1h10 đến 9h40 ngày 16/9, đã nâng báo động bão từ cấp 8 lên cấp 10 vì diễn biến phức tạp và sức mạnh của cơn bão. Ảnh: AP . Sức gió kinh hoàng cũng được ghi nhận tại nhiều địa phương khác ở miền Nam Trung Quốc. Ở hai thành phố "láng giềng" của Hong Kong là Thâm Quyến và Châu Hải đã xảy ra tình trạng mất điện và ngập lụt trên diện rộng. Gần như toàn bộ các thành phố lớn ở khu vực đồng bằng Châu Giang đều được đặt trong tình trạng báo động khẩn cấp. Trong ảnh, cảnh tượng cửa kính vỡ vụn ngay bên trong một khu mua sắm tại Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông trước những đợt gió kinh hoàng của bão Mangkhut. Ảnh: Reuters. Siêu bão mạnh nhất năm 2018 không trực tiếp đổ bộ vào Hong Kong. Khoảng cách từ tâm bão đến vành đai thành phố lúc ngắn nhất là khoảng 100 km. Tuy nhiên, cơn bão vẫn gây ra nhiều thiệt hại đáng kể cho cơ sở hạ tầng, đường xá, nhà cửa, làm gãy đổ cây cối trên hàng loạt tuyến đường. Nước biển dâng cao ngập vào trong nội ô Hong Kong. Trong ảnh là phố Heng Fa Chuen ngập trong nước biển. Ảnh: Reuters . Lính cứu hỏa của thành phố hỗ trợ di tản người cao tuổi tại quận Lei Yue Mun chiều ngày 16/9, sau khi khu vực này nước ngập lên quá gối. Ảnh: SCMP . Gió mạnh thổi sập cả giàn giáo một công trình xây dựng còn dang dở. Nhiều tuyến đường đến sáng 17/9 vẫn còn tê liệt. Hàng loạt đơn vị quản lý xe buýt Hong Kong thông báo tiếp tục hoãn hoạt động vì đường xá và trạm dừng hỏng nặng. Các cơ quan vận hành đường sắt và phà biển tại Hong Kong cũng đưa ra tuyên bố tương tự vì lý do an toàn. Mưa lớn và sóng cao khiến nhiều quận ven biển tại Hong Kong ngập nặng, một số nơi nước nhanh chóng ngập cao quá eo người trưởng thành. Nước biển dâng cao đến 4 m tại khu vực Tsim Sha Tsui. Lực lượng cứu hộ phải nhanh chóng di tản những hộ dân còn lại tại các quận có địa hình thấp như Lei Yue Mun, Heng Fa Chuen hay làng chài Tai O trên đảo Lantau. Ảnh: Reuters. Số cuộc gọi đến tổng đài khẩn cấp 999 của Hong Kong nhiều lúc quá tải. Bà Lam Siu Hung, 46 tuổi, kể lại: "Gác mái tòa nhà tôi sống rung lắc dữ dội. Tôi cứ sợ gió sẽ thổi bay luôn cả mái nhà nên phải gọi đường dây nóng 999, thế nhưng đường dây lúc nào cũng bận". Bà cùng chồng và đứa con gái 6 tuổi sau đó lánh nạn ở hành lang tòa nhà. Ảnh: Tân Hoa xã . Có gần 200 trường hợp cây gãy đổ, bật gốc được ghi nhận trong ngày 16/9. Nhiều tuyến đường chính của thành phố tê liệt. Hơn 900 chuyến bay từ sân bay Hong Kong cũng bị hoãn vì thời tiết xấu. Trong ảnh là cảnh tượng tan hoang tại Phố Leu Yue Mun chiều 16/9 sau khi bão Mangkhut đi qua Đến 19h40 cùng ngày, chính quyền Hong Kong mới hạ báo động bão từ cấp 10 xuống cấp 8. Rạng sáng ngày 17/9, khi cơn bão đã tiến sâu vào đại lục, Hong Kong hạ báo động về cấp 3. Các chuyên gia ước đoán thành phố phải mất nhiều ngày để khắc phục hậu quả mà siêu bão Mangkhut để lại. Trong ảnh là một trung tâm thương mại tại quận Heng Fa Chuen ngập trong nước Theo Thanh Danh (Tri Thức Trực Tuyến)