Từ 5 giờ sáng 9-6, hàng đoàn xe thồ chất đầy trái vải, mỗi xe chở tới 150-170 kg hướng đến các địa điểm thu mua vải lớn tại huyện Lục Ngạn như thị trấn Chũ. Bên cạnh đó, hiện nay có nhiều điểm thu mua được các thương lái đặt gần với các điểm vườn nên nhiều người dân trồng vải cũng thuận tiện trong việc di chuyển.
Video người dân huyện Lục Ngạn tấp nập đi bán vải khiến nhiều tuyến đường tắc dài |
Tại điểm các thương lái mua vải ở thôn Quê (xã Đồng Cốc,huyện Lục Ngạn, Bắc Giang), hàng trăm người dân đi bán vải đầu mùa, khiến tuyến đường ở đây tắc dài, nhiều người đứng "chôn chân" hàng giờ đồng hồ. Lực lượng chức năng cũng đã có mặt để hướng dẫn người dân di chuyển, tránh tình trạng ùn tắc trong nhiều giờ.
Dậy từ rất sớm để chở vải ra chợ bán, ông Hoàng Văn Ảnh (thôn Phúc Hoà, Lục Ngạn, Bắc Giang), cho biết: "Tôi mang đi khoảng hơn 1 tạ vải đã được bẻ từ tối qua, mỗi ngày tôi chở sang bên này bán khoảng 3 chuyến. Tuy nhiên, chuyến đầu tiên hôm nay tôi chưa thể bán được vì đường ở đây tắc khá dài, phải chờ đợi lâu".
Ông Ảnh chia sẻ giá vải năm nay vẫn bình ổn như mọi năm. Tuy nhiên, do đây là vải đầu mùa mà lại nhiều nên khó bán hơn một chút. Tình trạng tắc đường do nhiều người dân đi bán vải mới diễn ra trong sáng nay.
"Mùa vải thiều chín diễn ra trong khoảng hơn 2 tháng, trong khi diện tích và sản lượng lớn, vải thiều lại khó bảo quản lâu dài, đòi hỏi người dân phải thu hoạch nhanh... Hiện nay, chính quyền huyện đã nâng cấp chợ, bố trí mặt bằng và xây cả chợ nông sản. Nhưng thay vì đưa vải thiều vào những nơi đã được bố trí, người mua vẫn giữ thói quen đặt điểm cân nơi ngã ba, ngã tư đường, còn người bán thì cứ ngồi trên xe máy vẫn bán được hàng"- ông Ảnh nói.
Ông Đinh Duy Hiền (huyện Lục Ngạn, Bắc Giang), một thương lái đang thu mua vải, cho biết: "Tôi bắt đầu thu mua vải được khoảng 1 tuần, mỗi ngày nhận 12-15 tấn vải. Hiện tại bên tôi nhận mua 2 loại vải như vải Thanh Hà mua vào từ 18.000-25.000 đồng/1kg, sau đó sẽ xuất khẩu sang Trung Quốc còn vải thiều bên tôi mua vào 10.000-12.000 đồng/1kg và được đưa thẳng vào trong TP HCM để tiêu thụ".
"Hiện nay, khó khăn lớn nhất khi đưa vải sang nước ngoài là bên đó kiểm tra rất chặt, nhất là vấn đề kiểm dịch. Bên phía Trung Quốc họ kiểm tra kĩ hơn mọi năm như phải cắt hết lá, cuống phát cắt ngắn và lái xe mình sang họ không còn đón nữa, như thế rất khó khăn cho các lái xe khi tìm đường"- ông Hiền chia sẻ thêm.
Theo Ngô Nhung (Nld.com.vn)