Clip: Rừng phòng hộ bị xẻ thịt nhìn từ flycam.
Từ năm 2015 đến nay có nhiều cá nhân đến thu mua, gom đất với tổng diện tích lên đến hàng chục hécta rồi tiến hành xây dựng biệt thự, nhà vườn homestay, nhà hàng... Theo ghi nhận của PV Dân Việt thì, từ ngoài xã Lâm Trường vào bên trong khu vực đang bị “xẻ thịt” ngay trên đất rừng này luôn cả bảng chỉ dẫn, số điện thoại của những khu biệt thự, nhà vườn, homestay,... Những công trình này được gắn cho những cái tên đẹp như Khu sinh thái Thiên Phú Lâm, Trà hoa viên Sóc Sơn... Nhiều biệt thự, nhà vườn được xây kiên cố từ mấy năm nay nhưng chính quyền đều bất lực. Đặc biệt những khu nhà vườn này chỉ cách Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội trong bán kính khoảng 2km. Mặc dù UBND TP.Hà Nội đã có yêu cầu UBND huyện Sóc Sơn, UBND các xã Minh Phú và Minh Trí có biện pháp ngăn chặn, đình chỉ tuyệt đối các công trình đang thi công vi phạm, không để xảy ra sai phạm mới, nhưng tình trạng thi công vẫn diễn ra ngang nhiên. Cách đây chưa lâu, dư luận đã vô cùng bức xúc khi khu vực hồ Đồng Đò (thôn Minh Tân, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn) đã bị mua đi bán lại nhiều lần. Theo PV tìm hiểu, khu vực này nằm hoàn toàn trong diện quy hoạch rừng phòng hộ nhưng nhiều cá nhân ở nơi khác đến đây mua đất, lấn hồ rồi tiến hành xây dựng trái phép nhiều biệt thự như lâu đài nguy nga mang tên Hoàng Lê Gia Garden...
Mặc dù toàn bộ khu vực đất rừng phòng hộ đã được UBND thành phố đình chỉ tạm ngừng thi công nhưng việc thi công ở đây vẫn gấp rút hoàn thành những công trình nguy nga như cung điện này. Nhiều công trình sai phạm diễn ra từ những năm 2013 của một số nghệ sĩ, người nổi tiếng dù đã được báo chí nói nhiều nhưng vẫn còn tồn tại. Trao đổi với PV về vụ việc, ông Nguyễn Đức Tâm – Phó Chủ tịch UBND xã Minh Phú cho biết: “Các hoạt động xây dựng các khu dịch vụ trên đều thuộc đất lâm nghiệp là trái phép, vi phạm pháp luật. Nhưng để xảy ra sự việc này cũng một phần là tồn tại cũ từ các chủ tịch khóa trước, hiện tại trên địa bàn xã có 12 công trình xây mới nhưng đã bị đình chỉ thi công chờ quyết định của thành phố ”. Từ năm 2017, UBND thành phố Hà Nội có công văn đề nghị sở, ngành liên quan thực hiện các nội dung kết luận thanh tra liên quan đến quản lý, sử dụng đất rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Trong đó có yêu cầu kiểm tra lại các mốc rừng đã cắm, khôi phục lại các mốc giới đã mất; sớm hoàn thành việc cắm mốc ranh giới đất rừng theo quy hoạch để phục vụ công tác quản lý. Tuy nhiên, việc chậm trễ hoàn thành đo đạc bản đồ đất rừng theo quy hoạch đã gây khó khăn cho việc quản lý, phát sinh nhiều trường hợp vi phạm xây dựng Theo Nguyễn Chương (Dân Việt)