Chùm ảnh: Thông xe hai hầm chui hiện đại nhất thủ đô

08/01/2016 14:05:21

Sáng 8/1, hai hầm chui tại nút giao Thanh Xuân - Nguyễn Trãi và Trung Hoà thông xe, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông và kết nối với các tuyến cao tốc, đường vành đai tại cửa ngõ phía tây, phía nam của Hà Nội.

Sáng 8/1, hai hầm chui tại nút giao Thanh Xuân - Nguyễn Trãi và Trung Hoà thông xe, góp phần giải quyết ùn tắc giao thông và kết nối với các tuyến cao tốc, đường vành đai tại cửa ngõ phía tây, phía nam của Hà Nội.
Tại dự án hầm chui nút Trung Hòa, ngay sau khi thông xe, các phương tiện có thể di chuyển dễ dàng theo hai hướng từ đường Trần Duy Hưng đi Đại lộ Thăng Long và ngược lại. Công trình do Ban quản lý dự án Thăng Long làm chủ đầu tư; Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 - CTCP và Công ty TNHH Kỹ thuật Xây dựng Hanshin là nhà thầu thi công. Tổng mức đầu tư của dự án là 1.087 tỷ đồng, trong đó giá trị gói thầu xây lắp là hơn 717 tỷ đồng.
 
Dự án đầu tư xây dựng nút giao Trung Hòa hoàn chỉnh có quy mô 2 hầm chui thông theo 2 chiều giao thông, hướng Đại lộ Thăng Long - đường Trần Duy Hưng - Hoàng Minh Giám. Phần hầm kín và phần hầm hở phía đường Trần Duy Hưng gồm hai hầm riêng biệt, mỗi hầm có bề rộng 12 m, gồm 3 làn xe cơ giới rộng 3,5 m/làn. Phần hầm hở phía Đại lộ Thăng Long gồm 2 hầm riêng biệt, mỗi hầm có bề rộng 16,25 m.
 
Tổng chiều dài hầm và đường dẫn hơn 600 m, riêng đoạn mở rộng đường gom hai bên Đại lộ Thăng Long khoảng 2.573 m, đoạn mở rộng đường Khuất Duy Tiến, đường Phạm Hùng khoảng 580 m. Quy mô đường phố chính chủ yếu, 6 làn xe cơ giới, tốc độ thiết kế 60 km/h. Tại hành lang hai bên cửa hầm được bố trí các chậu hoa giấy tạo cảnh quan.
 
Nút Trung Hòa hoàn chỉnh được xây dựng để kết nối giữa dự án cầu cạn cao tốc Vành đai 3 với cao tốc đại lộ Thăng Long và phù hợp với các dự án, quy hoạch có liên quan nhằm nâng cao hiệu quả khai thác của các tuyến đường cao tốc. Trong sáng đầu tiên thông xe, nút giao này phương tiện lưu thông khá thông thoáng theo cả 4 chiều.
 
Hệ thống vườn hoa, cây cảnh được đặt ở giữa nút giao. Dự án đưa vào khai thác sẽ tạo sự thông suốt, thuận lợi cho người và phương tiện khi lưu thông qua khu vực, giảm chi phí và thời gian chờ đợi do ùn tắc.
 
Hầm nút giao Thanh Xuân cũng được thông xe vào sáng nay, sau 18 tháng thi công. Công trình có tổng mức đầu tư hơn 551 tỷ đồng từ nguồn vốn dư của dự án xây dựng đường vành đai 3 Hà Nội. Ban Quản lý dự án Thăng Long là chủ đầu tư của dự án; Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 - CTCP và Công ty TNHH Kỹ thuật và xây dựng Hanshin là nhà thầu.
 
Sau khi khánh thành, các phương tiện có thể lưu thông theo hai chiều từ Nguyễn Trãi về Trần Phú - Hà Đông và ngược lại. Hầm chui này có chiều dài 980 m, trong đó phần hầm kín khoảng 100 m.
 
Đây là hầm chui thi công phức tạp và khó khăn nhất vì được làm song song với dự án đường sắt trên cao, hệ thống trụ đường sắt đi qua dải phân cách giữa ở hai ống hầm. Cùng với tuyến đường sắt trên cao, cao tốc trên cao và đường bộ, đây là nút giao 4 tầng đầu tiên tại thủ đô.
 
Mỗi nhánh hầm chui ở nút giao này có 2 làn xe chạy dành cho xe máy và ôtô.
 
Sau lễ thông xe hầm chui Thanh Xuân, nhiều người dân háo hức dậy từ sớm và tập trung trên cầu vượt bộ để theo dõi lễ cắt băng khánh thành, nhiều người đã ghi lại khoảnh khắc những chiếc xe đầu tiên lăn bánh vào hầm.
 

Cả hai tuyến hầm đều cầm phương tiện quay đầu ngay phía cửa, tốc độ tối đa 40 km/h. Phát biểu trong buổi lễ thông xe, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng việc đưa hai hầm chui hiện đại vào hoạt động có ý nghĩa lớn với giao thông thủ đô nói chung, góp phần giảm thiểu ùn tắc tại các cửa ngõ phía tây, kết nối hạ tầng giao thông, phát triển kinh tế với một số khu đô thị trên trục Đại lộ Thăng Long.

 
>> Lưu thông qua hầm chui tại nút giao 4 tầng như thế nào?
 
Theo Bá Đô - Giang Huy (VnExpress.net)