Ghi nhận tại xã Vĩnh Kim, sạt lở đã xảy ra xuyên suốt trên tuyến đường đi vào xã này. Đất đá, cây cối nằm ngổn ngang khắp nơi khiến người dân gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi lại.
Theo anh Đinh Mua (40 tuổi, ở xã Vĩnh Kim), sạt lở làm đường sá hư hỏng nên 2 ngày qua anh và các gia đình tại đây hầu như chôn chân tại chỗ vì nước từ trong các khe suối vẫn chảy xuống rất mạnh, rất nguy hiểm nên mọi người cảm thấy bất an khi ra đường.
Ông Bùi Tấn Thành - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh cho biết, nguyên tuyến đường xã Vĩnh Kim có 13 điểm sạt lở; tuyến lên Vĩnh Sơn có 15 điểm sạt lở.
Cũng theo ông Thành, xã Vĩnh Kim có khoảng trên 1.000 hộ dân, trong đó có khoảng 30 hộ nằm trong diện nguy cơ trong vùng sạt lở, địa phương cũng đã có cảnh báo. Sau khi có mưa lớn xảy ra địa phương đã chủ động di dời những hộ dân này nên không có thiệt hại về người.
Có mặt tại xã Vĩnh Kim, ông Hồ Quốc Dũng – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, việc sạt lở do lũ ống, lũ quét là một hiện tượng chưa từng xảy ra ở Vĩnh Thạnh. Tuy không có thiệt hại về người nhưng về lâu dài phải tính đến phương án di dời người dân khỏi khu vực nguy hiểm ven núi.
Tỉnh giao cho Ban quản lý dự án nông nghiệp và phát triển nông thôn đưa ngay lực lượng, máy móc khắc phục khẩn cấp để đảm bảo giao thông đi lại cho người dân. Cái này trong vòng 3 ngày là phải làm xong. Trước mắt là phải thông đường cho người dân đi lại.
Theo Quân Bảo (Pháp luật & Bạn đọc)