Đông đảo bạn trẻ đến Phố ông đồ từ sớm.
Phố ông đồ phía trước Nhà văn hóa Thanh Niên (Quận 1, TPHCM) chiều ngày 16/1 thu hút đông khách đến tham quan, chụp ảnh.
Năm thứ 6 làm "bà đồ" tại đây, chị Võ Thị Kiều Trâm chia sẻ đây là năm rất đặc biệt so với mọi năm. Dù tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát ổn định tại TPHCM nhưng chị vẫn cẩn thận trang bị đầy đủ kính chắn giọt bắn, khẩu trang và nước sát khuẩn để đảm bảo an toàn cho bản thân cũng như khách đến xin chữ.
Cứ ngỡ dịch bệnh Phố ông đồ sẽ không được tổ chức nhưng khi nhận tin được hoạt động, chị Trâm vui mừng cho biết mỗi sản phẩm thư pháp tại gian hàng của chị Trâm ưu đãi giảm 10.000 đồng so với năm trước.
Gian hàng tranh giấy xoắn Alice do những người khuyết tật sáng lập năm nay cũng tham gia và được Nhà văn hóa Thanh Niên ưu tiên không thu phí thuê mặt bằng. Chị Nguyễn Thụy Thúy Vi (chủ cơ sở tranh giấy khuyết tật Alice) chia sẻ những sản phẩm tại gian hàng hoàn toàn được làm thủ công do những người khuyết tật khéo léo thực hiện.
Mỗi sản phẩm có giá từ 40.000 đồng đến dưới 2 triệu đồng.
Cạnh đó, khu vực cho thuê áo dài cũng vẫn giữ nguyên mức giá là 100.000 đồng/bộ cho 2 tiếng thuê. Chị Kim Thy (nhân viên cho thuê áo dài) chia sẻ: "Do dịch bệnh nên cũng không có mẫu mã mới, lấy kiểu áo dài năm ngoái ra cho thuê tiếp. Mỗi mẫu mình chỉ có 2 bộ."
Ngày đầu hoạt động, Phố ông đồ tấp nập người đến tham quan và chụp ảnh. Anh Nguyễn Chí Tài là thợ chụp hình (Q1, TPHCM) phấn khởi nói: "Năm nay, Phố ông đồ trang trí đẹp hơn năm ngoái, bố cục trang trí có điểm nhấn hơn. Những bộ hình được chụp ở đây rất đẹp nên năm nào mình cũng đến đây để chụp áo dài."
Như mọi năm, Phố ông đồ luôn là nơi để các bạn trẻ xúng xính diện chiếc áo dài truyền thống Việt Nam đến chụp ảnh. Bạn trẻ Hoàng Thiên Thảo Ngọc (quận 5, TPHCM) rất thích trang phục áo dài, bày tỏ: "Đây là dịp để mình khoác lên trang phục yêu thích và mình rất thích áo dài đỏ, thể hiện sự tươi trẻ của mùa xuân."
Bé Phương Uyên hào hứng (5 tuổi, huyện Nhà Bè, TPHCM) đến Phố ông đồ du xuân cùng gia đình.
Chị Phạm Tuyết Trinh (Q5, TPHCM) dịu dàng tạo dáng trong chiếc áo dài trắng bên cây mai vàng.
Phố ông đồ không chỉ thu hút người dân TPHCM mà còn có cả du khách nước ngoài.
Ngày đầu mở cửa, Phố ông đồ còn khá nhiều gian hàng chưa hoạt động. Phố ông đồ tại Nhà văn hóa Thanh niên TPHCM chính thức mở cửa đón khách vào lúc 19h ngày 16/01. Các hoạt động vui chơi tại đây sẽ diễn ra đến 12h ngày 29 Tết (tức 31/01 dương lịch).
Theo Quỳnh Trâm - Phong Nguyễn (Tiền Phong)