Trạm radar thời tiết ở Nha Trang bị nhà cao tầng 'phong tỏa'
Toàn cảnh phố biển Nha Trang nhìn từ đỉnh núi Cô Tiên (phường Vĩnh Hòa), nơi xảy ra sự cố vỡ hồ bơi làm sạt lở núi kèm theo lũ quét tàn phá 10 nhà dân và 4 người chết ngày 18/11. Theo thống kê của địa phương này, toàn tỉnh có 20 người chết, 33 người bị thương và 115 nhà dân bị sập đổ do lở núi kèm theo lũ quét trong đợt mưa kỷ lục vừa qua. Năm 2000, Trạm radar thời tiết Nha trang thuộc chủng loại Doppler EEC - DWSR-2500C, được lắp đặt tại số 22 trên đường Pasteur (TP Nha Trang) có vai trò quan trắc, theo dõi, cảnh báo và giám sát toàn bộ diễn biến thời tiết khu vực Nam Trung bộ trong phạm vi bán kính 200 - 480 km. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, đợt mưa lớn kỷ lục xảy ra ở Nha Trang ngày 18/11 vừa qua, vùng mưa lớn nhất radar lại không quan trắc được do bị che khuất địa vật là các công trình chung cư, khách sạn cao tầng bao quanh. Thạc sĩ Trần Văn Hưng, Phó phòng Dự báo Khí tượng thủy văn Nam Trung Bộ, cho biết trạm radar này chỉ cao 57 m so với mực nước biển, lọt thỏm bên cạnh các nhà cao tầng từ 20 đến 40 m cao nên khi hoạt động bị che khuất góc quét của radar. Do vậy việc phát hiện các đám mây đối lưu gây mưa lớn gặp nhiều khó khăn. Vùng mưa rất to gây ra lũ quét và sạt lở núi này lại chỉ cách Trạm radar thời tiết Nha Trang khoảng 3 km, nằm ngay trong vùng mù/vùng nhiễu của radar (thường có bán kính khoảng 5 km tính từ trạm) nên đã không thể quan trắc. Sau nhiều lần kiến nghị dời Trạm radar đến vị trí mới, Khánh Hòa đã bố trí đất để Đài Khí tượng thủy văn Nam Trung Bộ xây cơ sở hạ tầng Trạm radar thời tiết tại khu vực Hòn Tre (phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang). Mật độ các trạm radar quan trắc thời tiết khu vực Nam Trung bộ còn rất thưa, hiện chỉ có duy nhất một trạm tại Nha Trang, dọc theo các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đều không có và cho đến tận khu vực Nhà Bè (TP HCM) mới có thêm một trạm. Còn từ Nha Trang hướng lên phía bắc Tây Nguyên thì không có trạm nào nên không thể quan trắc được ở khu vực này. Nhà cao tầng xây dựng dày đặc trên đường Trần Phú (TP Nha Trang). Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Khánh Hòa, cho hay khách sạn, nhà cao tầng xây dựng dày đặc ở phố biển Nha Trang đã bộc lộ nhiều bất cập. Nhiều dự án không tuân thủ quy định pháp luật về quy hoạch xây dựng và quy hoạch chung TP Nha Trang đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. "Trạm radar thời tiết Nha Trang bị khách sạn, chung cư cao tầng vây kín xung quanh là quá bất hợp lý, cần tính toán ngay để công tác dự báo mưa, bão kịp thời, chính xác giảm thiểu hiểm họa cho người dân", vị kiến trúc sư nói. Theo ông Lộc, về quy hoạch chung TP Nha Trang, ở dải đô thị ven biển, trong đó có các khu trung tâm, dọc các đường Trần Phú và Phạm Văn Đồng, theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng chỉ cho phép xây cao tối đa 40 tầng, mật độ xây dựng chỉ được 40%; khoảng cách giữa hai công trình tối thiểu 25 m. Tuy nhiên, hàng loạt dự án được Khánh Hòa duyệt từ năm 2012 đến nay đều có mật độ xây dựng từ 60% trở lên; khoảng cách giữa hai công trình san sát nhau... là sai quy định. Toàn cảnh phố biển Nha Trang về đêm. Theo đồ án quy hoạch được Thủ tướng duyệt đến năm 2025, sau khi rà soát, Khánh Hòa rà soát phát hiện có 13 dự án có công trình ven biển cao hơn 40 tầng. Trong ảnh là khách sạn Mường Thanh trên đường Trần Phú từng xây 43 tầng (vượt tầng so với quy định). Hiện chủ đầu tư Tổ hợp dự án khách sạn - căn hộ cao cấp Mường Thanh Khánh Hòa đã chấp hành điều chỉnh "cắt ngọn" ba tầng công trình. Ông Phạm Minh Nhựt, Chuyên gia lĩnh vực du lịch, nhận định việc tháo dỡ, điều chỉnh các công trình kiến trúc che khuất tầm nhìn ra biển là hướng đi phù hợp của Khánh Hòa. Địa phương không nhất thiết phải "dọn sạch" hết, cần xem xét để lại vài khu dịch vụ đáp ứng nhu cầu người dân lẫn du khách. Trạm radar thời tiết Nha Trang. Ảnh: Google Maps. Theo Minh Hoàng (Tri Thức Trực Tuyến)