Biệt thự cổ của Đốc phủ Võ Hà Thanh, còn được người dân địa phương gọi là "nhà lầu ông Phủ", đang được nhiều người quan tâm, do đứng trước nguy cơ bị giải tỏa để phục vụ cho dự án đường ven sông Đồng Nai.
"Nhà lầu ông Phủ" được xây dựng năm 1922 và hoàn thành sau 2 năm với kiến trúc Pháp độc đáo và là một biểu tượng văn hóa đặc trưng của vùng đất Đồng Nai. Ngôi nhà đã từng là bối cảnh của nhiều bộ phim nổi tiếng và gắn liền với nhiều câu chuyện lịch sử.
Bà Đặng Thị Linh Phương, 52 tuổi, sinh sống tại ngôi biệt thự cổ này cho biết, bà được cha kể lại, "nhà lầu ông Phủ" này là nơi cưu mang hơn 100 người gần khu vực lánh nạn trên tầng 2 do nước lũ năm Thìn (1952).
Theo các chuyên gia, biệt thự cổ này mang trong mình những giá trị lịch sử với kiến trúc Pháp cổ điển, đường nét tinh xảo, những chi tiết hoa văn cầu kỳ đã tạo nên một không gian sống sang trọng và độc đáo.
Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho biết, có nhiều cách để giữ lại ngôi biệt thự cổ này. Ông đưa ra 2 phương án, thứ nhất là di dời biệt thự cổ vào trong hoặc điều chỉnh quy hoạch "uốn" lại tuyến đường để bảo tồn biệt thự 100 tuổi này trở thành điểm đến văn hóa, du lịch.
Tuy nhiên, để thực hiện dự án đường ven sông Đồng Nai, biệt thự cổ này đã được đưa vào danh sách dỡ bỏ. Mặc dù cơ quan chức năng định giá bồi thường biệt thự này số tiền gần 5,4 tỷ đồng, nhưng nhiều người cho rằng con số này không thể so sánh với giá trị lịch sử và văn hóa.
Trước thông tin ngôi biệt thự cổ này có nguy cơ bị đập bỏ, nhiều người tranh thủ đến đây để chụp ảnh lưu lại làm kỷ niệm. Thậm chí, một số họa sĩ nổi tiếng từ TPHCM đến trực tiếp quan sát và tỉ mỉ vẽ lại biệt thự 100 tuổi nằm ven sông Đồng Nai.
Ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó chủ tịch UBND TP Biên Hòa cho biết, trong tuần tới, sẽ mời các chuyên gia, sở, ngành liên quan góp ý để tìm phương án tối ưu nhất đối với căn biệt thự 100 tuổi này. Theo ông Thanh, cần có phương án tối ưu nhất để bảo tồn căn biệt thự có giá trị về kiến trúc, lịch sử của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.
Theo Hoàng Anh -ĐN (VietNamNet)