Theo đó, ba hầm chui được xây dựng trong khu vực nội thành và được yêu cầu có thiết kế hiện đại, đảm bảo mỹ quan đô thị gồm hầm chui Lê Văn Lương tại nút giao Lê Văn Lương - Vành đai 3 (Thanh Xuân), hầm chui Hoàng Quốc Việt tại nút giao Hoàng Quốc Việt - Vành đai 3 (Cầu Giấy), hầm chui đường Vành đai 2,5 tại nút giao Kim Đồng - Giải Phóng (Hoàng Mai).
Đối với hầm chui Lê Văn Lương, địa điểm và hướng tuyến được xác định được xây dựng theo hướng Lê Văn Lương – Tố Hữu để chui ngầm qua đường Vành đai 3.
Hiện hầm vượt Lê Văn Lương đã có quyết định đầu tư của thành phố Hà Nội, cùng với đó đơn vị thực hiện dự án là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội (Ban Giao thông) - chủ đầu tư đã xây dựng xong thiết kế dự án.
Theo thiết kế dự án, cầu có tổng chiều dài 475 mét và 4 làn xe, mỗi bên 2 làn xe hỗn hợp gồm ô tô, xe máy. Cầu có mục tiêu đầu tư: nhằm giải quyết xung đột giao thông tại nút giao theo hướng đường Lê Văn Lương - Tố Hữu, giảm thiểu ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường.
Với dự án hầm chui tại nút giao đường Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng (QL 1A cũ), hiện dự án đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt đầu tư dự án tại Quyết định số 5804/QĐ-UBND. Hầm được xây dựng theo hướng đường Vành đai 2,5 (đoạn Đầm Hồng - Kim Đồng) chui qua đường Giải Phóng hiện tại.
Theo Quyết định đầu tư, hầm có chiều dài 600 mét (gồm cả hầm và đường dẫn) với tổng mức đầu tư hơn 671 tỷ đồng. Thời gian khởi công dự án giai đoạn 2019 - 2020.
Tại công trình hầm chui Hoàng Quốc Việt, trong buổi kiểm tra tiến độ các công trình giao thông ngày 5/7, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, việc xây dựng hầm chui để giảm xung đột giao thông và phát huy hiệu quả đầu tư của đường Vành đai 3 cả dưới thấp, trên cao là vô cùng cần thiết.
Hơn nữa, ông Huệ cũng cho biết, dự án Vành đai 3 trên cao vẫn còn phần vốn dôi dư nên ông mong muốn Bộ GTVT tiếp tục làm thêm hầm chui tại nút giao Hoàng Quốc Việt – Vành đai 3.
Thực tế tại nút giao đường Vành đai 3 với đường Hoàng Quốc Việt cũng đã có phương án xây dựng gầm chui nên khi thi công đường trên cao đến đây, thay vì đổ bê tông, đoạn dầm cầu cạn đi đường Hoàng Quốc Việt đã được làm bằng khung thép lắp ghép. Việc này nhằm lực nén cho hạ tầng ngầm bên dưới vừa có thể tháo dỡ dầm cầu cạn Vành đai 3 nếu cần.
Theo tính toán của đại diện Bộ GTVT, dự án hầm chui Hoàng Quốc Việt được xây dựng tương tự như hầm chui Thanh Xuân, Trung Hòa với 4 làn xe. Dự án có mức dự toán khoảng 700 tỷ đồng.
Theo Trọng Đảng (Tiền Phong)