Trung Quốc bồi lấp và xây dựng các cơ sở phi pháp trên các đá và rạn san hô thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, làm biến dạng nghiêm trọng toàn bộ khu vực.
|
Ảnh chụp sự thay đổi của đá Xu Bi trong khoảng thời gian từ ngày 27/7/2012 đến ngày 8/9/2015. Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) cho biết, đá Xu Bi là thực thể nằm xa nhất về phía bắc của quần đảo Trường Sa bị Trung Quốc chiếm đóng. Trung Quốc đã bồi lấp khu vực có diện tích 4 triệu m2 và xây dựng đường băng trên đó. Hoạt động xây dựng có thể nhìn rõ qua ảnh vệ tinh. Trong tự nhiên, đá Xu Bi chìm dưới nước khi thủy triều dâng cao. Ngày 27/10/2015, tàu khu trục USS Lassen của Mỹ đã đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh đá Xu Bi, động thái nhằm khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực, đồng thời bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. |
|
Sự thay đổi của đá Chữ Thập có thể thấy rõ khi so sánh ảnh chụp ngày 22/1/2006 với ngày 3/9/2015. Theo AMTI, Trung Quốc đã bồi lấp gần 3 triệu m2 trên đá Chữ Thập. Các công trình được xây dựng bao gồm nhà cửa, cầu cảng và một đường băng dài 3.000 m, cho phép mọi loại máy bay cất và hạ cánh. Thậm chí, ảnh vệ tinh còn cho thấy nhà máy xi măng, súng phòng không, tháp radar, bãi đỗ trực thăng và hải đăng trên đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đầu năm 2016, Trung Quốc liên tiếp cử 3 máy bay đáp xuống đường băng phi pháp trên đá Chữ Thập, trong đó có 2 máy bay được xác định là phi cơ thương mại. Động thái của Trung Quốc gặp phải sự phản đối gay gắt của các quốc gia trong khu vực và thổi bùng sự lo ngại của cộng đồng quốc tế. |
|
Sự thay đổi của đá Vành Khăn ngày 24/1/2012 với ngày 10/6/2015. Trung Quốc bắt đầu các hoạt động cải tạo đá Vành Khăn từ đầu năm 2015 với khoảng 5,5 triệu m2 được bồi lấp. Trung Quốc xây dựng các cơ sở quân sự và hệ thống liên lạc vệ tinh tại đây. Theo AMTI, việc Trung Quốc mở rộng lối vào vùng nước sâu nằm giữa rạn san hô cho thấy Bắc Kinh có ý định tạo ra một căn cứ hải quân trong đá Vành Khăn. USS Lassen của Mỹ cũng từng áp sát đá Vành Khăn với mục đích tương tự việc áp sát đá Xu Bi. |
|
Đá Ga Ven thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam biến dạng khi so sánh ảnh chụp ngày 1/9/2007 với ngày 17/3/2015. Trung Quốc đang bồi lấp đảo nhân tạo có chiều rộng từ 250 tới 300 m tại đây. Nó có thể cho các tàu cập cảng, trang bị ụ súng, radar và hệ thống thông tin liên lạc. |
|
Đá Tư Nghĩa thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam biến dạng khi so sánh ảnh chụp ngày 12/3/2008 với ngày 16/3/2015. Theo tạp chí quốc phòng IHS Jane's, Trung Quốc bồi lấp 75.000 mét vuông tại đây và trang bị trên đó các cơ sở quân sự, bao gồm cả các tháp phòng không. |
|
Sự khác biệt của đá Gạc Ma, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, trong ảnh chụp ngày 9/11/2004 và 4/3/2015. Trung Quốc bồi lấp một hòn đảo nhân tạo rộng 400 m trên đá Gạc Ma và xây dựng nhiều cơ sở quân sự, gồm radar và cảng nhỏ. |
|
Đá Châu Viên, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, biến dạng vì các hoạt động của Trung Quốc. Theo ước tính, Bắc Kinh bồi lấp 231.000 mét vuông trên đá Châu Viên, xây dựng 5 antenna thông tin liên lạc, trạm radar, sân đỗ trực thăng và 5 ụ súng hoặc tên lửa. Bắc Kinh cũng xây dựng hải đăng trên đảo nhân tạo phi pháp. Ảnh chụp đá Châu Viên ngày 14/1/2012 và 24/9/2014.
|
Theo Hồng Duy (Zing.vn)