Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, trước đây, cung đường đèo Hải Vân là điểm đen tai nạn và ùn tắc giao thông.
Sau khi hầm Hải Vân 1 do Nhật Bản tài trợ được hoàn thành vào năm 2005, điều kiện giao thông trên tuyến đường được cải thiện cơ bản, rút ngắn hành trình trên tuyến xuyên Việt.
Tuy nhiên, do các phương tiện tăng trưởng nhanh đã dẫn tới quá tải, việc xây dựng hầm Hải Vân 2 là nhu cầu cấp thiết.
“Công trình hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, đánh dấu sự vươn lên làm chủ những công nghệ phức tạp nhất trong thi công cầu đường.
Đây thực sự là tin vui lớn của ngành giao thông vận tải, là món quà quý giá chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII”, Phó Thủ tướng đánh giá.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả cho biết, tập đoàn sẽ cho các phương tiện lưu thông qua hai ống hầm trong 20 ngày, dịp Tết Nguyên đán (từ ngày 1 đến 21/2, tức từ ngày 20 tháng Chạp năm Canh Tý đến 10 tháng Giêng năm Tân Sửu).
Sau đó, hầm Hải Vân 2 sẽ tạm dừng vận hành để chờ cơ quan nhà nước giải quyết các kiến nghị, trong đó có việc thiếu kinh phí vận hành. Hầm Hải Vân 1 vẫn hoạt động bình thường.
Hầm đường bộ Hải Vân 2 là công trình hầm đường bộ dài nhất Đông Nam Á, thuộc dự án hầm đường bộ Đèo Cả, gồm hầm Cổ Mã, Đèo Cả, Cù Mông và Hải Vân với tổng mức đầu tư ban đầu cho cả bốn dự án là 26.154 tỉ đồng. Dự án do Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả làm chủ đầu tư.
Hạng mục hầm Hải Vân được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 tiến hành nâng cấp, sửa chữa hầm Hải Vân 1 để giải quyết tình trạng xuống cấp cần trùng tu, sửa chữa, đã hoàn thành từ tháng 8/2017.
Giai đoạn 2, tổ chức thi công hầm Hải Vân 2 với chiều dài toàn tuyến 12,4 km, chiều dài hầm là 6,2 km.
Theo Hồ Giáp (VietNamNet)