Bất cập quy hoạch 3 loại rừng, người dân Nậm Pồ ồ ạt phá rừng tái sinh để làm nương
10/03/2021 14:10:34
Không đồng tình đưa nương luân canh vào quy hoạch 3 loại rừng, vừa qua người dân ở một số xã của huyện biên giới Nậm Pồ (Điện Biên) đã ồ ạt phá nhiều cánh rừng tái sinh để làm nương.
Huyện Nậm Pồ có khoảng 150.000 ha diện tích tự nhiên, trong đó diện tích có rừng là hơn 63.000 ha, năm 2020 tỷ lệ che phủ rừng đạt hơn 42%.
Những năm qua, do việc quản lý, bảo vệ rừng của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương còn buông lỏng; nhu cầu về diện tích làm nương rẫy của người dân với phương thức canh tác luân canh lạc hậu… nên hàng năm vẫn có những diện tích rừng tái sinh có độ tuổi nhiều năm trên địa bàn bị tàn phá.
Ngoài ra công tác quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn hiện đang tồn tại nhiều bất cập.
Đường kính gốc của một cây gỗ trên cánh rừng tái sinh bị dân đốn hạ.
Chu vi vành thân của một gốc thân cây có độ tuổi nhiều năm đã bị triệt hạ.
Diện tích rừng tái sinh rộng gần 1ha giáp ranh giữa địa bàn bản bản Huổi Sang (xã Nà Hỳ) và bản Nậm Ngà (xã Nậm Chua) bị “khai tử” từ nhiều ngày qua.
Ông Vàng A Giàng, bản Nậm Ngà 2, xã Nậm Chua, huyện Nậm Pồ cho biết: Đây là diện tích nương cũ của gia đình đã để không nhiều năm nay. Giờ do nhu cầu lấy đất làm nương nên phá đi để trồng lúa.
Do chất đất chỉ làm được 1-2 vụ là sẽ bạc màu, lúa sẽ không lên được nên người dân sau khi thu hoạch sẽ bỏ hoang cho cây mọc và nhiều năm sau sẽ quay lại phá cây để làm nương.
Lý do gia đình không đồng ý đưa diện tích rừng có độ tuổi từ 7-8 năm này vào khoanh nuôi theo quy hoạch 3 loại rừng là do tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng thấp, 500.000 đồng/ha/năm.
“Nếu 1 vụ lúa cho thu hoạch khoảng 20 triệu đồng/năm so với số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng quá thấp là 500.000 đồng/ha/năm thì vì hoàn cảnh nên người dân sẽ phải phá đi để lấy đất làm nương”, ông Vàng cho biết.
Việc tàn phá rừng xảy ra trên địa bàn chủ yếu là do người dân lấy đất làm nương. Với cây nhỏ thì được người dân làm củi, những thứ còn lại thì đốt để cải tạo đất, trồng lúa nương.
Những thân cây to thì được người dân sơ chế ngay tại hiện trường để đem về làm cột nhà.
Những thân cây gỗ to được dân cưa xẻ thành gỗ phẩm phẩm vuông thành sắc cạnh ngay tại hiện trường trước lúc vận xuất khỏi hiện trường.
Nhiều thưng ván và vô số cây gỗ nằm la liệt trên diện tích rộng lớn.
Thực trạng rừng bị chặt phá, đốt thường diễn ra vào khoảng thời gian từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau. Trong ảnh: Rừng tái sinh có độ tuổi nhiều năm ở vị trí triền đồi và vùng “yên ngựa” thuộc xã Nậm Chua bị triệt hạ không thương tiếc.
Bạt ngàn vô số thân, cành cây kích thước khác nhau còn nằm ngổn ngang trên triền nương thuộc bản Nậm Ngà (xã Nậm Chua) mà người dân chưa vận xuất khỏi hiện trường.
Ông Nguyễn Đình Lương, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Nậm Pồ cho biết: trên dọc tuyến từ khu vực bản Huổi Sang (xã Nà Hỳ) về trung tâm huyện có hơn 100ha đang nằm ngoài bản đồ quy hoạch 3 loại rừng theo quyết định 1208 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên. Đây chủ yếu là diện tích nương luân canh của người dân.
Từ năm 2016, huyện Nậm Pồ đã triển khai nhiều cuộc họp tuyên truyền vận động nhân dân trong khu vực để đưa những diện tích này vào quy hoạch 3 loại rừng, xúc tiến tái sinh nhưng người dân không đồng tình ủng hộ vì tiền chi trả thấp.
Qua kiểm tra của lực lượng chức năng tại khu vực Huổi Sang (xã Nà Hỳ) có 3 vị trí lớn bị phá với diện tích 25.200m2. Đại diện Hạt kiểm lâm huyện Nậm Pồ cho rằng những diện tích rừng có độ tuổi nhiều năm này bị chặt phá không nằm trong quy hoạch 3 loại rừng nên không thể xử lý được.
Được biết đây là khu vực rừng đầu nguồn có chức năng giữ và cung cấp nguồn nước cho nhà máy nước có công suất hơn 1.000m3/ngày đêm của huyện Nậm Pồ.
Nếu chính quyền địa phương, ngành chức năng tỉnh Điện Biên không có giải pháp hữu hiệu trong công tác bảo vệ, quản lý, phát triển rừng thì nhiều cánh rừng ở huyện Nậm Pồ bị “khai tử” kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường là điều khó tránh khỏi./.