Đường Kinh Dương Vương (đoạn mũi tàu Phú Lâm đến vòng xoay An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM) dài 3 km thi công dự án cải tạo hệ thống thoát nước, chống ngập. Tuy nhiên, do bị người dân phản ánh về độ cao cốt nền biến "nhà thành hầm" nên khoảng 3 tháng nay, tuyến đường này đang tạm dừng thi công chờ quyết định phương án hạ độ cao. |
Đây là tuyến đường huyết mạch từ các quận trung tâm TP đi quốc lộ 1 nên lưu lượng xe cộ lưu thông rất lớn. Tuyến đường là nỗi ám ảnh người tham gia giao thông, từ ôtô đến xe máy. Mặt đường phần trên đầy đá cấp phối, phía dưới vô số ổ voi, ổ trâu cùng rào chắn không còn nguyên vẹn. Nặng nhất là đoạn từ đường Tên Lửa đến đoạn giao với quốc lộ 1A. |
Đoạn trước cửa Bến xe Miền Tây bị bao phủ bởi một màu trắng đục của bụi đá. Tầm nhìn của người tham gia giao thông bị hạn chế rất nhiều. |
Dọc hai bên vỉa hè cây cối, đồ đạc, xe cộ, nhà cửa... dính lớp dày bụi trắng chỉ trong vài giờ đồng hồ. |
Trên các làn đường hai chiều, xe lớn, nhỏ chạy nhanh hay chậm đều tạo ra những đám bụi dày đặc. |
Những người lái xe máy, không mang khẩu trang phải bịt mũi, nhắm mắt chạy xe trên tuyến đường bụi dài khoảng 2 km. Người lớn, trẻ nhỏ nhắm mắt, nín thở phóng xe qua. |
Người đi bộ hai bên vỉa hè mắt nhắm mắt mở vừa tránh bụi bay vào vừa quan sát vô số chướng ngại vật phía dưới của công trình đang dở dang. |
Một gia đình lỉnh kỉnh đồ đạc từ cổng bến xe Miền Tây bước vội trong màn bụi mịt mờ. Những người làm nghề chạy xe ôm cho biết, khu vực này bị bui bao phủ suốt ngày từ gần trưa cho đến tối. Đoạn này không có xe tưới nước nên những ngày không có mưa bụi càng dày đặc hơn. |
Hành khách phải ra giữa đường Kinh Dương Vương thuộc địa phận phường An Lạc để đón xe. Người dân hai bên tuyến đường này cho biết, xe phun nước của đơn vị thi công chỉ tưới một lần mỗi ngày, có khi vài ngày không thấy tưới. Những ngày trời nắng, sau vài tiếng vừa tưới bụi trở lại tức thì. |
Hai bên đường hầu hết hàng hóa đều dính bụi. Chủ tiệm phải bọc hàng để tránh bụi bám vào nhưng cũng không xuể. |
Cứ vài chục phút, anh Đông lại phải phủi kệ quần áo để giảm bớt bụi bám vào. "Bụi không khi nào ngớt. Những hàng không bọc được bị bụi bám đầy, gây bạc màu, chỉ sờ vào tay đã dính bụi ai dám mua", nhân viên cửa hàng quần áo bức xúc. |
Những quán nước hai bên đường, nhất là khu vực trước cổng bến xe Miền Tây rơi vào tình trạng ế ẩm. Nhiều chủ quán mang khẩu trang, xung quanh đồ đạc dính đầy bụi ngồi ngán ngẩm trông khách. |
Ông Ba, chủ quán nước trước bến xe cho biết, ông đã bán ở đây 30 năm nay nhưng chưa khi nào ế khách như thời điểm này. "Dịp nghỉ lễ vừa qua lượng khách ra vào bến xe rất đông nhưng ghé quán rất ít vì ngồi một tý là bụi bám đầy người, đồ uống. Họ chủ yếu mua nước mang đi", chủ quán nước cho hay. |
Bên trong nhiều cửa hàng, nhà dân bụi bám vào đồ đạc một lớp dày. |
Anh Triều, nhân viên một cửa hàng điện thoại bên đường Kinh Dương Vương cho hay, mọi người đều phải mang khẩu trang cả ngày để làm việc. Máy tính, đồ đạc lau xong được vài chục phút lại dính bụi như cũ. |
Máy móc bụi bám dày, không khí lơ lửng bụi nên chủ cửa hàng và khách phải đeo khẩu trang để nói chuyện. "Buôn bán vô cùng khó khăn bởi mưa thì ngập nước, nắng thì cả nhà phải mang khẩu trang suốt ngày, ai cũng bị ho vì bụi quá nhiều. Chúng tôi chắc đi viện sớm vì bụi mất", bà Võ Thị Kim Thanh, chủ một cửa hàng đồ gia dụng lo lắng. |
Để hạn chế bụi, nhiều cửa hàng, nhà dân thường xuyên tưới nước khu vực phía trước nhưng cũng như "muối bỏ bể". Bởi đây là tuyến đường huyết mạch xe cộ đông đúc, phát tán bụi nhanh chóng. |
Hạ độ cao tuyến đường biến nhà thành hầm ở Sài Gòn Trao đổi với Zing.vn,ông Phạm Văn Tuấn, Chủ tịch UBND phường An Lạc, quận Bình Tân cho biết, vừa qua phường đã kiến nghị lên quận và UBND quận đã có văn bản gửi đơn vị thi công cùng Trung tâm điều hành chương trình chống ngập nước tăng cường tưới nước để giảm bụi hai bên đường. "Tuy nhiên mặc dù có tưới nhưng do trời nắng, nhanh khô nên bụi vẫn xuất hiện", ông Tuấn cho hay. Sáng 6/9, UBND TP HCM đã có cuộc họp giữa các cơ quan chức năng, sở ngành và công ty tư vấn, thiết kế dự án chống ngập đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) để chốt phương án thi công tiếp theo dự án này. Đây là tuyến đường bị người dân kêu trời vì biến nhà thành hầm. Sau khi lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, đơn vị tư vấn thiết kế dự án, ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TP HCM, kết luận chọn phương án hạ độ cao tim đường xuống 25 cm, hạ độ cao vỉa hè xuống 10 cm. Từ hôm nay 7/9, công trình gói thầu số 2 dài 880 m bắt đầu thi công trở lại. |