Hơn 20 năm qua, bán đảo Thanh Đa hiện vẫn như một ốc đảo, miền quê đối lập với những cao ốc chọc trời, khu biệt thự sang trọng chỉ cách một con sông bởi dự án treo hơn 20 năm qua.
Bán đảo Thanh Đa gồm toàn bộ phường 28, quận Bình Thạnh được bao quanh bởi sông Sài Gòn và kênh Thanh Đa. |
|
Dự án khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa được UBND TP.HCM phê duyệt từ năm 1992. Đến năm 2004, dự án này được giao cho Tổng công ty Xây dựng Sài Gòn nhưng đơn vị này không triển khai được. |
|
Đến năm 2010, chính quyền thành phố thu hồi quyết định. Sau đó, một đơn vị trong nước khác được UBND TP.HCM giao thực hiện điều chỉnh quy hoạch 1/2.000 của dự án với toàn bộ gần 427 ha đất, tương đương diện tích toàn phường 28. Hiện chỉ có cầu Kinh Thanh Đa là lối vào bán đảo bằng đường bộ duy nhất ngoài bến phà nhỏ Bình Quới. |
|
Sau hơn 20 năm phê duyệt, bán đảo này vẫn là một vùng đầm lầy đúng nghĩa trong khi bên kia bờ sông là biệt thự và cao ốc của khu “nhà giàu” Thảo Điền mà cư dân ở đây vẫn thấy hàng ngày. Đến cuối năm 2015, liên danh Tập đoàn Bitexco và Emaar Properties PJSC (công ty trong lĩnh vực bất động sản ở Dubai) được UBND TP.HCM chỉ định là nhà đầu tư dự án khu đô thị Thanh Đa - Bình Quới, với tổng vốn hơn 30.000 tỷ đồng. |
|
Khu đô thị sinh thái Thanh Đa - Bình Quới rộng 426 ha sẽ là khu đô thị với đầy đủ chức năng dành cho dân số khoảng 41.000-50.000 người, có cầu bắc qua sông Sài Gòn để nối với các khu vực kế cận. Nơi đây sẽ là Khu đô thị mới quy hoạch xây dựng theo các tiêu chí đô thị sinh thái hiện đại. |
|
Thời gian thực hiện dự án trong 50 năm kể từ ngày ký kết hợp đồng. Nhưng Emaar Properties PJSC đã rút lui vì không đủ kiên nhẫn chờ tới lúc được bàn giao đất sạch. Diện tích đất khổng lồ nhưng hiện chủ yếu bỏ hoang hoặc đào ao thả cá. |
|
Vì dự án treo suốt thời gian dài nên nơi này hiện vẫn như một ốc đảo, những con đường sâu hun hút chỉ rải đá dăm rộng khoảng hơn 1 m chỉ xe máy mới lưu thông được. |
|
Các hộ dân sinh sống ở đây phải mòn mỏi chờ dự án, hàng nghìn căn nhà đã cũ kỹ, xuống cấp nhưng không được xây mới. |
|
Nhiều hộ dân là những "đại gia" đất sống trên nền quy hoạch khu đô thị nhưng không thể làm gì. Bà Trần Kim Phúc, ngụ khu phố 3, phường 28 cho biết gia đình chồng bà đã ở đây 7 đời, có hơn 17.000 m2 đất nhưng lâu nay không biết làm gì vì dự án đã quy hoạch, chỉ tạm cho người ta thuê làm nơi câu cá giải trí với 8 triệu đồng/tháng. |
|
"Nhà đã cũ, xuống cấp nhưng không được xây mới, gia đình đất rộng mênh mông mà xin làm nhà cho con cái cũng không được", người phụ nữ 64 tuổi này nghẹn ngào cho hay. |
|
Vào bên trong, có không ít ngôi nhà đang xây dựng dở bỏ hoang nhiều năm nay. |
|
Theo tìm hiểu, một số căn nhà nhỏ này do người dân xây chui để ở, bị phạt nên phải dừng thi công và bỏ dang dở. |
|
Một số căn nhà dở dang này người dân dùng để làm chỗ ở cho gà, vịt, heo. |
|
Có những ngôi nhà được người dân dựng tạm bằng tôn để ở giữa cây cối um tùm. |
|
Một khung cảnh thường thấy khi đi sâu vào bên trong bán đảo là những căn nhà lụp xụp nằm giữa bãi đất trống. Đây là đất của những hộ dân có diện tích lớn đang tận dụng chăn nuôi. |
|
Ông Nguyễn Văn Long (khu phố 2, phường 28) cho biết diện tích đất gia đình rộng lớn hàng nghìn m2 nhưng chỉ dùng để chăn nuôi bò, heo, gà vịt và thả cá với quy mô nhỏ để kiếm sống chứ không thể làm gì khác. |
|
"Chúng tôi muốn dựng cho con cái một cái chòi nhỏ trên phần đất của mình để tụi nó ở nhưng cũng không được. Không riêng gì gia đình mà bà con nơi đây rất mong dự án nhanh triển khai, chúng tôi đã mòi mỏi chờ và rất hoang mang vì đã bị treo quá lâu rồi", chị Nguyễn Thị Hiền khu phố 2, phường 28 cho hay. |
|
Bên kia sông Sài Gòn là những tòa nhà chọc trời, những khu biệt thự sang trọng. |
|
"Ở đây nhiều gia đình có diện tích đất rất lớn nhưng họ chỉ dùng được một ít để trồng lúa, sen kiếm thu nhập tạm. Đất toàn cỏ dại, lại bị chuột phá thường xuyên nên trồng lúa cũng không ăn thua", ông Chung, cư dân nơi đây cho biết. |
|
Nhiều đàn bò thả rông khắp nơi trên bán đảo này. |
|
Cảnh nuôi heo, gà, vịt trong vườn rộng thênh thang là hình ảnh thường thấy tại Thanh Đa - Bình Quới. |
Ông Phan Ngọc Anh Huy, Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận Bình Thạnh, cho hay hiện nay, quận Bình Thạnh chưa thể làm gì vì đang chờ thành phố xin ý kiến Thủ tướng cho phép chỉ định lại nhà đầu tư. Có chủ trương của TP.HCM thì mới tiến hành các bước liên quan đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. “Có 3.100 hộ dân đang sống trên khu quy hoạch này, cũng có rất nhiều người đến xin giấy phép xây dựng nhưng theo quy định chúng tôi đều phải chờ chứ chưa thể làm gì khác", ông Huy cho biết. |
Bitexco là một trong những đơn vị sở hữu nhiều đất vàng tại trung tâm TP.HCM. Doanh nghiệp này được giao hàng loạt dự án tại các vị trí đắc địa, nhưng hầu hết vẫn chưa thành hình. |
Theo Lê Quân (Tri Thức Trực Tuyến)