Cứ vào độ tháng 12 âm lịch hàng năm, người dân thông Tràng Cát (Thanh Oai, Hà Nội) lại tất bật thu hoạch lá dong để phục vụ nhu cầu dịp Tết Nguyên Đán. Toàn thôn có hơn 300 hộ trồng lá dong, với diện tích hơn 200 mẫu. Chẳng thế mà nơi đây còn được mệnh danh là "thủ phủ lá dong của miền Bắc".
Nhiều gia đình ở đây đã bắt tay vào công việc thu hoạch từ đầu tháng 10 âm lịch.
Đến Tràng Cát, không khó để bắt gặp các thửa lá dong trên từng đoạn đường làng. Người dân trong thôn nói đùa rằng, họ đã sống "cả một đời cùng lá dong".
Được biết, quy trình trồng lá dong không đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, chỉ cần tách nhánh rồi trồng sau đó chăm bón, làm cỏ rồi đợi ngày thu hoạch.
Nở nụ cười trước ống kính của PV, ông Phan Văn Khoát (Tràng Cát, Thanh Oai) phấn khởi chia sẻ: "Lá dong năm nay được mùa, cũng bởi thời tiết ủng hộ. Gia đình chúng tôi huy động hết con cháu ra thu hoạch để kịp xếp hàng cho lái buôn vào mua."
Trên tay mỗi người dân đang thu hoạch là chiếc dao bổ cau, nhỏ gọn nhưng không kém phần sắc bén. Họ nhẹ nhàng dùng dao cắt cuống lá tới tận sát gốc.
Mỗi vườn lá dong có thể thu hoạch từ 2 - 3 vụ trong năm, nhưng nhộn nhịp nhất vào dịp Tết Nguyên đán.
Sau khi cắt xong, lá dong được đem về rửa sạch, xếp thành từng bó lớn chờ thợ buôn đến đánh hàng.
Gia đình ông Nguyễn Vũ Quang là một hộ buôn lá dong có tiếng trong làng. Trong nhà ông, các bó lá dong lớn được xếp thành hàng lối, chuẩn bị cho công đoạn phun rửa, phơi khô ráo nước, rồi tiếp tục bó lại chờ thương lái đến mua hoặc tự vận chuyển đến những nơi cần tiêu thụ.
Lá dong khi được cắt từ ngoài vườn về, người dân phân loại và xếp thành từng cọc, mỗi cọc có khoảng 100 tàu lá.
"Lá ở đây khác hẳn so với lá dong rừng, lá dong rừng gói bánh khi luộc lên màu lá sẽ bị chuyển thành màu bạc nhìn không bắt mắt bằng màu xanh nõn của lá ở làng Tràng Cát. Nếu nhà hàng nào mà dùng lá dong rừng thì sẽ phải dùng hoá chất", ông khẳng định.
Lá dong làng Tràng Cát đã vượt ra khỏi biên giới Việt Nam, có mặt ở khắp nơi trên thế giới như Pháp, Anh, Mỹ. "Kiều bào ta đang sinh sống tại nước ngoài muốn gói bánh đón Tết cổ truyền đều đặt mua lá ở nhà tôi, mỗi năm tôi có thể xuất vài vạn lá sang bên các nước khác" – ông Quang chia sẻ.
Một bó lá dong to, đẹp có thể bán được với mức giá 150.000 đồng/bó.
Lá dong khi được cắt từ ngoài vườn về, người dân phân loại và xếp thành từng cọc, mỗi cọc có khoảng 100 tàu lá.
Chỉ cần nhắc đến thương hiệu "lá dong quê mình", nét mặt người dân Tràng Cát ai ai cũng đều biểu lộ vẻ tự hào, bởi đó đã trở thành một biểu tượng chứ không chỉ đơn thuần là sản vật buôn bán.
Theo Hiếu Nguyễn (Trí Thức Trẻ)