Ảnh: Người dân phi xe ào ào lên vỉa hè để tránh tắc đường, Chủ tịch Hà Nội yêu cầu xử lý nghiêm
07/01/2021 06:47:59
Vào giờ cao điểm sáng, chiều, tại nhiều "điểm đen" ùn tắc của Hà Nội, hàng loạt phương tiện lao lên vỉa hè tránh tắc đường, không chỉ mất mỹ quan đô thị mà còn gây nguy hiểm cho người đi bộ.
Ở Hà Nội, vào những giờ cao điểm sáng và chiều, tại các "điểm đen" ùn tắc như Trường Chinh, Nguyễn Trãi, Xã Đàn,... người đi xe máy cố tìm cách lao xe lên vỉa hè để "tiết kiệm thời gian". Ngày 5/1 vừa qua, trong buổi lễ phát động ra quân năm An toàn giao thông và đợt cao điểm, Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh yêu cầu các đơn vị xử lý nghiêm các trường hợp ô tô, mô tô, xe gắn máy đi lên vỉa hè...
Trước cổng một trường Tiểu học ở đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, hàng loạt xe máy "phóng" lên vỉa hè gây mất an toàn cho người dân. Anh Khôi, 35 tuổi, than vãn "nào ai muốn phi xe lên vỉa hè", nhưng theo anh, lòng đường 3 làn xe, ô tô nhiều khi dàn hàng 4, xe máy chỉ có 2 lựa chọn: hoặc chấp nhận đi sau, đợi tắc đường... vài tiếng, hoặc leo lên vỉa hè
Trên đường Kim Ngưu, quận Hai Bà Trưng vào 7h sáng, để kịp giờ làm, giờ đến trường, nhiều phụ huynh bất chấp đi xe lên vỉa hè
Đường Xã Đàn, quận Đống Đa giờ tan tầm tắc nghẽn nghiêm trọng cả 2 chiều
Vỉa hè lớn, lại ít hàng quán, người đi xe máy nối đuôi nhau cùng đi lên
Dù tiết kiệm thời gian đi lại đáng kể, tuy nhiên việc các phương tiện đi trên vỉa hè không chỉ ảnh hưởng tới người đi bộ, còn khiến vỉa hè ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Trên nhiều tuyến phố dù mới lát gạch 2 - 3 năm, nhưng đã hư hỏng do xe máy và ô tô đỗ, đi lại
Đường Đại Cồ Việt hướng Xã Đàn, đoạn Hầm Kim Liên, "như một thói quen", người dân "xếp hàng" đợi bê xe máy lên vỉa hè...
Vỉa hè bên ngoài Công viên Thống Nhất khá cao, nên chủ phương tiện hầu như phải khệ nệ khiêng xe như thế này
Kể cả người đi xe đạp cũng muốn "băng" qua đường tắt
Một người đàn ông giúp đỡ chủ xe SH kéo xe lên vỉa hè để nhanh chóng "giải toả", tránh tắc nghẽn... vỉa hè
Tắc đường, đèn đỏ 90 giây khu vực này, khiến người dân "ngán ngẩm" và mang tâm lý không muốn chờ đợi, nên đã tìm mọi cách "tận dụng" vỉa hè dù cách này khá khó khăn!
"Một mình một cõi" không phải đợi, cũng chẳng cần phải bon chen!
Trên đường Thanh Nhàn hướng Lạc Trung, vỉa hè khá rộng cũng trở thành nơi "lý tưởng" của xe máy
Điểm g khoản 3 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xe máy điều khiển xe không đi bên phải theo chiều đi của mình; đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định; điều khiển xe đi trên hè phố, trừ trường hợp điều khiển xe đi qua hè phố để vào nhà bị phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng, tăng hơn so với mức phạt trước đây
Tình trạng người điều khiển xe máy cho xe leo lên vỉa hè để chạy, mỗi khi đường bị kẹt, đường hơi đông phương tiện, diễn ra trên hầu hết các con đường, tuyến phố nội thành
Dù cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền “Không đi trên hè phố”, “Không lấn chiếm vỉa hè”,… tuy nhiên cũng không thể ngăn được tình trạng các phương tiện giao thông lấn chiếm phần đường của người đi bộ
Năm 2017, vỉa hè một số tuyến phố ở Hà Nội như Tôn Đức Thắng, Lê Duẩn,... được lắp hàng rào chắn để ngăn các phương tiện đi lên, dành không gian cho người đi bộ. Tuy nhiên theo ghi nhận, vào giờ tan tầm, nhiều xe máy vẫn bất chấp lao xe vun vút (Ảnh: Đầu Tròn)
Theo Minh Nhân (Tổ Quốc)