Được xây dựng năm 1879 nằm trên đường Nguyễn Văn Linh, thành phố Phan Thiết, ngôi nhà hình chữ Đinh gồm nhà chính và nhà ngang. Bên hông nhà hiện nay được chủ nhà sử dụng làm một quán cà phê sân vườn. Bất kỳ ai đến đây đều ngỡ ngàng trước một không gian cổ xưa vẫn còn tồn tại giữa thành phố biển đang ngày một thay da đổi thịt.
Ông Mười Cúc (tên đầy đủ: Châu Ngọc Cúc) sinh năm 1952, được cho là đời thứ 5 của dòng họ Châu quê gốc quảng Nam vào Bình Thuận lập nghiệp đầu thế kỷ 19. Ông Cúc chỉ nhớ thời ông sơ, Châu Ngọc Lịch vốn dĩ là một phú ông có tiếng của xứ này. Cha ông tổ tiên lúc nào cũng xây nhà thờ tự trước, sau đó mới xây nhà ngang, đến khi lập gia thất, sinh con cái, tiếp tục mở rộng không gian phía sau.
Tại đây, ông nội ông là Liên hoa Châu Ngọc Nhụy (sinh năm 1889) và các thi hữu trong Liên thành thi xã hay đốt trầm để đàm đạo văn chương.
Khi ông Châu Ngọc Cúc lớn hơn 10 tuổi, đã nhìn thấy bộ trường kỷ dùng để đón khách quý ở trong nhà.
Nhà có tổng cộng 8 tấm liên và 6 tấm hoành. Nhiều tấm liên và vật dụng trong nhà đã bị lấy cắp. Trong ảnh là một tấm hoành may mắn không bị mất cắp do được treo trên cao.
Không gian thờ tự vẫn còn lưu lại ảnh hưởng của giáo dục Nho giáo như câu đối, chữ Hán tự, hoặc chi tiết hình bát quái trên tường.
Ngôi nhà chính dùng thờ tự còn giữ lại kiến trúc cổ: cột táng trên đá hoa cương và ba gian 2 chái. Mái lợp âm dương, đa phần sử dụng gỗ căm xe quý hiếm tại núi rừng Bình Thuận lúc bấy giờ. Gian thờ chính có diện tích 81,4m2 với 7 hàng cột, mỗi hàng 8 cột. Đường kính mỗi cột ước chừng 20cm. Các xiên, cột, kèo... đan kết với nhau theo luật âm dương, mà không dùng đến một cây đinh nào.
Sau khi các bảng khảm xà cừ bị lấy cắp, ông cất công tìm thuê thợ khắc lại các bảng thờ gỗ phỏng theo các bức tùng cúc trúc mai để thờ phụng, chứ không để bàn thờ trống trải.
Gian thờ chính được ông Cúc sử dụng để lưu giữ nhiều nông cụ như rìu, rựa, cưa, phảng... Ông cũng có nguyện vọng nếu chính quyền thành phố giúp sức trùng tu ngôi nhà thành điểm tham quan, ông sẽ có dịp giới thiệu đến du khách những vật dụng này.
Trên tay ông Mười Cúc là một cân tay bằng gỗ. Được treo trên vách khá lâu, nếu ông không giải thích cách sử dụng nó, thì không một ai biết đó là gì, ông cho biết.
Ông Cúc giới thiệu thêm, để có thuốc rê hút, ông bà xưa phải sử dụng bàn xắt thuốc.
Đũa mun đen bóng và đũa ngà voi là những kỷ vật quý hiếm của dòng họ để lại, được ông Cúc nâng niu như châu báu. Ông bảo, bây giờ những kiểu đũa thế này không còn được sản xuất hoặc bán trên thị trường nữa.
Một chiếc đèn trần kiểu Pháp đã tồn tại trong gian thờ rất lâu. Nếu bị phủ bụi, ông Cúc lập tức tự tay lau chùi. Trước Tết Tân Sửu, ông và con cháu trong nhà mất cả ngày để lau chùi từng chi tiết nhỏ trên bàn thờ tổ tiên.
Ghế đón tiếp khách đã quá cũ, hư hỏng dần theo thời gian. Tuy vậy, hình như không có thứ gì bị vứt đi.
Sách Tứ thư ngũ kinh, bói toán, sách y dược... để thi hương thi hội hay ngâm cứu đông y từ thời ông cố Châu Ngọc Diệp của ông Cúc được cất giữ cẩn thận trong tủ kính.
Nhiều vật dụng trong nhà không quá đắt tiền được ông Mười Cúc sưu tầm làm kỷ vật. Anh Quân, con ông cho biết, người nhà rất thích trưng bày đồ đạc trên kệ như một thói quen nhiều đời.
Không gian phía trước hướng ra sân vườn, nay được dùng làm cà phê mang tên Vườn Xưa. Dịp Tết Tân Sửu, rất nhiều khách tìm đến đây để thưởng thức cà phê nhưng chủ yếu là tìm về một không gian dân dã bình yên mang đậm vẻ đẹp truyền thống. Chị Huy, một thực khách, đi cùng bạn cho biết, bây giờ rất khó tìm được một ngôi nhà cổ với mái ngói âm dương và bàn bát giác hay ghế đẩu thế này.
Gỗ căm xe và một số gỗ quý nay được liệt vào danh mục gỗ cần bảo tồn ở Bình Thuận được gia đình ông thuê thợ mang về bằng xe bò để xây dựng gian thờ.
Gian nhà phía sau là không gian sinh hoạt của gia đình, đã hơn 80 năm tuổi. Phía trước là dàn cây cảnh mang lại không gian thoáng đãng, nhẹ nhàng khi bước vào.
Trong khuôn viên rộng hơn 1500m2, vẫn còn có những hàng lu đựng nước mưa theo kiểu truyền thống.
Bên một góc nhà là máy quạt hay máy rê lúa, một món đồ cổ rất quý hiếm mà ông Cúc luôn trân trọng. Ông bảo, nếu mất cái này, có lẽ sẽ không tìm thấy cái thứ hai.
Hiện tại gia đình của ông Cúc vẫn sử dụng gian bếp cũ, dùng củi để nấu nướng để tiết kiệm chi phí sinh hoạt.
Cũng theo ông, một số vật dụng quý giá như xe bò, guồng lấy nước quay tay bằng gỗ đã thất lạc. Ông cảm thấy rất tiếc. Trong khu vườn sapochê nhà ông hiện còn lại cần múc nước gỗ. Ông Cúc trăn trở, nếu chúng vẫn còn sẽ làm cho bộ sưu tầm đồ cổ của gia đình chúng tôi phong phú hơn, đặc biệt là khi du lịch trở lại, khách đến đây có dịp thưởng lãm.
Lối cũ vườn xưa còn đó. Hiện tại, điều ông Mười Cúc trăn trở là làm thế nào cùng chính quyền bảo quản những di tích cổ thế này, đặc biệt là ngăn chặn nạn lấy cắp đồ cổ.
Theo Thanh Thu (Doanh nghiệp và Tiếp thị)