Làng hoa Tây Tựu (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) được biết đến là một trong những nơi trồng hoa lớn nhất miền Bắc, cung ứng hoa tươi phục vụ nhu cầu không chỉ của người dân Hà Nội mà còn cho nhiều tỉnh thành miền Bắc.
Trồng hoa cũng là nghề tạo ra nguồn thu nhập chính cho hàng trăm hộ dân tại nơi đây. Tuy nhiên, thời gian vừa qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát khiến người làng Tây Tựu "điêu đứng" vì lỗ vốn.
Hoa nở rộ nhưng người nông dân Tây Tựu vẫn phải nuốt nước mắt, cắt hoa bỏ đi vì không thể bán giữa dịch Covid-19 |
Ghi nhận của chúng tôi tại làng hoa Tây Tựu những ngày đầu tháng 7 âm lịch, nhiều ruộng hoa... đều đã nở rộ, thế nhưng, không khí thu hoạch lại vô cùng ảm đạm. Tất cả đều có tình trạng chung là tới ngày cắt bán nhưng vẫn phải "nằm trên ruộng". Nhiều người phải cắt bỏ hoa để kịp vụ sau, số khác thì bỏ hoang ruộng. Thậm chí, có người đã chuyển đổi canh tác từ trồng hoa sang trồng rau.
Tháng "cô hồn" đúng nghĩa với nông dân Tây Tựu
Tháng 7 âm lịch thường được gọi là tháng "cô hồn" và nhiều người quan niệm đây là tháng mang lại nhiều xui xẻo. Thế nhưng, đối với người dân Tây Tựu những năm trước đây, nó lại là tháng "hái ra tiền" vì nhu cầu mua hoa của người dân tăng đột biến.
"So với những năm không có dịch bệnh, tháng 7 âm lịch là thời điểm chúng tôi bán hoa rất chạy vì rất nhiều khách mua hoa phục vụ nhu cầu lễ, chùa. Năm nay, dịch Covid-19 hoành hành, hoa là mặt hàng không thiết yếu, chợ hoa đóng cửa khiến hoa cúc, hoa hồng chúng tôi không có nơi bán.
Thời gian người dân mua hoa nhiều nhất từ mùng 10-14 âm lịch. Tuy nhiên, đây là lúc vẫn giãn cách xã hội nên chúng tôi đành phải cắt bỏ để chờ lứa hoa sau", anh Chu Trần Yên, người dân làng hoa Tây Tựu tâm sự.
Anh Thành, một người dân trồng hoa khác trong làng cho biết, thời điểm này, do Covid-19 bùng phát nên anh và nhiều người dân Tây Tựu lỗ nặng. "Một sào hồng bỏ vốn mất vài chục triệu, nhưng thời điểm này không thể bán được. Chúng tôi đành phải để hoa nở ngoài ruộng, lúc rảnh rỗi thì sẽ ra cắt bỏ cho lứa mới ra", anh Thành nói.
Cắt hoa chính là cách duy nhất của nông dân Tây Tựu lúc này với những ruộng hoa đang nở rộ. "Trước đây, nếu bán ế thì chúng tôi cho vào kho lạnh, để được vài ngày rồi bán tiếp nhưng giờ chẳng ai mua đâu. Hơn nữa, tiền điện để ủ lạnh còn đắt hơn tiền bán hoa nên chẳng ai dùng cách này", anh Thành buồn bã nói.
Anh Thành cũng cho biết thêm, mỗi sào hoa hồng cắt bỏ anh sẽ lỗ vốn hơn chục triệu. "Tất cả người làm nghề trồng hoa điêu đứng chứ không riêng một nhà nào. Chúng tôi đều thua lỗ rất nhiều, ngay cả công sức chứ chưa tính đến chi phí phân bón, thuốc sâu, nhân công, điện thắp sáng,…", anh Thành nói thêm.
Chuyển canh tác sang trồng rau
Đang chuẩn bị đồ đạc để chuyển canh tác sang trồng rau, bà Nguyễn Thị Dậu, cho biết, gia đình bà vừa phá nguyên vườn cúc đang nở rộ vì không thể bán ra thị trường.
"Trong nhiều ngày suy nghĩ, tôi đã quyết định chuyển sang trồng rau vì hiện tại rau có thể mang ra chợ bán để kiếm thêm đồng ra đồng vào", bà Dậu nói.
Bà Dậu cũng cho biết, để chuyển canh tác gia đình bà chịu lỗ vốn 30 triệu/sào hoa cúc bị phá đi. "Mỗi vụ, tôi bỏ ra 10 triệu để mua giống, cùng với đó là thuê nhân công, phải chờ đến 4 tháng mới có thể thu hoạch được. Nếu thuận lợi thì mỗi vụ thu hoạch được 30 triệu. Hiện giờ phá đi là mất không, tất cả vốn lẫn lãi", bà Dậu than thở.
Hoa không bán được, bà Dậu phải vay tiền hàng xóm, con mình để trang trải qua những ngày khó khăn. "Trong 1 năm trở đây, hợp tác xã cũng đã đến vườn nhà tôi ghi số lượng để hỗ trợ nhưng đến bây giờ vẫn chưa nhận được", bà Dậu nói thêm.
Giống như bà Dậu, ông Đỗ Đắc Hưởng đã mất trắng cả gốc lẫn lãi khi đầu tư vào hoa cúc ở thời điểm này. Vì vậy, ông và con trai đã quyết định nhổ bỏ, chuyển canh tác sang trồng rau.
"Số lượng hoa nhiều đến kỳ thu hoạch nhưng không thể bán, mà hàng ngày phải chăm bón để giữ hoa được tươi, đã tốn công nay còn tốn hơn. Hiện giờ, tôi cũng chỉ biết nhổ bỏ đi để giảm thiệt hại cũng như chuyển đổi sang trồng rau, củ…để duy trì qua mùa dịch", ông Hưởng nói.
Theo Đinh Huy (Pháp Luật & Bạn Đọc)