Người dân Thủ đô hào hứng tham quan đoàn tàu metro Nhổn-ga Hà Nội
Sáng 23/1, Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) đã mở cửa cho người dân vào tham quan nhà ga S1 tuyến đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội. Rất đông người dân, từ các em nhỏ, sinh viên, người lớn tuổi đều rất hào hứng trải nghiệm thực tế và quan sát hình hài của một loại hình giao thông tương lai
Sau khi đăng ký với Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, người dân được gửi xác nhận, khi vào cổng mang theo chứng minh thư để tiện việc kiểm soát. Do công trường vẫn đang trong quá trình thi công, nên để đảm bảo an toàn và phòng chống dịch bệnh Covid-19, người dân được yêu cầu tuân thủ nghiêm việc đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn
Từ 9h-15h các ngày 23/1 và 24/1, tại nhà ga S1 (đối diện trường Đại học Công nghiệp Hà Nội) tuyến đường sắt đô thị Nhổn-ga Hà Nội mở cửa để phục vụ người dân tham quan
Tại nhà ga S1, từng nhóm khoảng 20 người được hướng dẫn lên tầng ke ga để tham quan thiết kế, nội thất đoàn tàu đầu tiên của tuyến đường sắt đô thị. Trưởng ban An toàn của Dự án giới thiệu thông tin khái quát về đoàn tàu với người dân
Nhà ga S1 - điểm đầu của tuyến đường sắt đô thị số 3 được thiết kế áp ứng yêu cầu về công năng, kỹ thuật và thẩm mỹ. Nhà ga có chiều dài 108m, chiều rộng 24m, chiều cao 22m, nằm cách mặt đường khoảng 8m. Nhà ga gồm 2 tầng, tầng 1 là nơi khách mua, soát vé và có các dịch vụ tiện ích. Tầng 2 (ke ga) là nơi khách đợi, lên tàu. Mỗi bên vỉa hè gồm thang máy, thang cuốn và thang bộ tiện lợi cho người dân, bao gồm cả người khuyết tật, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và trẻ em
Người dân bước từ sảnh chờ lên ke ga để bắt đầu "hành trình" trải nghiệm
Đoàn tàu được thiết kế mới nhất theo tiêu chuẩn châu Âu, sản xuất bởi công ty Alstom tại Pháp với thân tàu bằng hợp kim nhôm có trọng lượng nhẹ, tuổi thọ cao và được nghiên cứu để phù hợp với nhu cầu của người Việt. Tàu được sơn ba màu xanh lá mạ, hồng đỏ và trắng với biểu tượng Khuê Văn Các tạo nên một dấu ấn riêng của Hà Nội
Đoàn tàu sử dụng sức kéo điện, dòng điện một chiều 750VDC cấp điện bằng ray thứ ba. Khác với dạng cấp điện bằng đường dây trên cao treo bởi hệ thống cột/tháp dọc đường ray hoặc gắn với các kết cấu đường sắt khác, cấp điện bằng ray thứ 3 đem lại cả tính hiệu quả và mỹ quan cho đô thị. Tàu sẽ lấy điện từ ray thứ 3 bằng một thanh truyền gọi là "chân tiếp xúc" để có thể lăn bánh
Cấu hình mỗi đoàn tàu gồm 4 toa (2 toa động cơ có cabin, 1 toa động cơ và 1 toa kéo theo) có khả năng chuyên chở 944-1.124 người/đoàn tàu, với mật độ khoảng 6,6-8 người/m2 và khai thác với tốc độ thương mại 37km/h, tốc độ thiết kế 80km/h
Trên tàu được trang bị đầy đủ tiện ích hiện đại, từ hệ thống điều hoà, âm thanh, ghế băng, tay nắm, bảng thông tin điện tử...
Bảng đèn led tại đầu mỗi toa sẽ hiển thị vị trí ga đến khi tàu được đưa vào vận hành
Anh Trần Văn Hệ, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm cùng con gái là những vị khách đầu tiên trải nghiệm. Anh rất hào hứng, chờ đợi ngày hôm nay sau khi tham khảo thông tin trên các phương tiện đại chúng. Anh rất ấn tượng với tàu điện của Trung Quốc và Nhật Bản trong những lần tham quan du lịch. So với nước ngoài, anh đánh giá nội thất tàu của Việt Nam khá ổn, màu sắc dịu, phù hợp với không gian. Tuy nhiên, ghế ngồi tương đối ít, có thể gây bất tiện khi lượng người di chuyển đông. "Tôi hy vọng đoàn tàu sẽ sớm đồng bộ với cơ sở giao thông trong nước để giúp giảm tải ùn tắc", anh nói
Kiệt, sinh viên năm 3 ĐH Kinh tế Quốc dân và Huyền, sinh viên năm 3, Đại học Công Nghiệp bày tỏ sự hào hứng khi lần đầu tiên được tham quan trực tiếp đoàn tàu hiện đại "vốn chỉ có trong phim ảnh". "Khi được giới thiệu rằng đoàn tàu sẽ kết nối với các điểm buýt, mình rất hy vọng trong tương lai sẽ rút ngắn được thời gian từ nhà đến trường", Huyền chia sẻ
Chú Đặng Đình Quý, phường Kim Liên, Hà Nội vui vẻ chụp ảnh cùng những người bạn trong hội nhiếp ảnh, khi lần đầu tiên được tham quan đoàn tàu
Các bạn sinh viên hào hứng ghi lại hình ảnh di chuyển của đoàn tàu
Người dân Hà Nội sử dụng metro sẽ giúp tiết kiệm thời gian, di chuyển một cách thoải mái, tiện nghi, đồng thời giúp cải thiện chất lượng không khí đô thị, đảm bảo an toàn cá nhân và chất lượng cuộc sống, giảm nguy cơ tai nạn giao thông
Sau khi tham quan trải nghiệm, người dân sẽ được lấy ý kiến để góp phần hoàn thiện dự án
Dự án tuyến đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội (tuyến số 3) nằm trong quy hoạch giao thông tổng thể của TP đến năm 2030 với tầm nhìn đến năm 2050. Tuyến có chiều dài 12,5km, bao gồm 12 nhà ga đường ray đôi với 8 ga đi trên cao và 4 ga ngầm, trải dài từ điểm đầu là khu vực ngoại ô phía Tây - Nhổn đến trung tâm thành phố trên phố Trần Hưng Đạo. Được khởi công từ tháng 9/2010, công trình dự kiến hoàn thành, khai thác đoạn trên cao vào cuối năm 2021, đoạn ga ngầm vào cuối năm 2022
Theo Minh Nhân (Doanh nghiệp và Tiếp thị)