Những ngày gần đây, cánh đồng lúa tại xã Sài Sơn (Quốc Oai, Hà Nội) đã bắt đầu ngả vàng, báo hiệu một mùa thu hoạch bắt đầu
Tuy nhiên, với cái nóng như thiêu như đốt ngoài trời có lúc lên đến 40 độ, rất ít người dân đi thu hoạch lúa vào ban ngày
Đa số người dân tại đây chọn thời điểm sáng sớm hoặc buổi tối khi mặt trời đã lặn để ra đồng
Liềm, bao, nước... là những vật dụng quan trọng được người dân mang ra đồng để thu hoạch lúa
Những thửa ruộng đã thu hoạch xong được người dân mang xe công nông đi chở rơm
Những xe rơm được chất đầy
Những người không mang rơm về nhà, họ sẽ gom lại đốt luôn tại ruộng
Thời điểm mặt trời lặn cũng là lúc người dân dắt đàn gia súc thả ngoài đồng về nhà
Càng về tối, người dân xuống đồng càng đông
Nếu như trước đây, chuyện gặt lúa đêm chỉ là "bất đắc dĩ" vì nhiều người sợ cả cánh đồng tối đen, sơ sẩy là liềm sẽ cắt vào tay, thì nay, đã phổ biến hơn nhờ có sự hỗ trợ từ máy móc
Dưới ánh đèn ắc quy, điện thoại... người dân tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức hơn
Theo chủ máy gặt chia sẻ, khoảng 30 phút sẽ thu hoạch xong một ruộng cho người dân. Tiền công sẽ được tính từ 160.000 đến 170.000 đồng/sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2). "Với thời tiết như hiện tại, chúng tôi bắt đầu buổi gặt vào sáng sớm và kết thúc vào khoảng 22h đêm hoặc gặt cho đến khi không còn ai thuê nữa", chủ máy gặt nói
Lúa gặt đến đâu sẽ được đóng vào bao tải, sau đó, người dân chỉ việc đứng đợi đầu bờ và di chuyển thóc về nhà, chờ phơi nắng
Bà Nguyễn Thị Hoa (ở Quốc Oai, Hà Nội) cho biết, gia đình bà có 10 sào ruộng, mỗi mùa vụ chỉ cần gặt máy 1 buổi là xong. "Nhưng cứ đến vụ mùa tháng 6 là chúng tôi lại tranh thủ gặt vào ban đêm bởi ban ngày thời tiết nắng quá, sức khoẻ sẽ không đảm bảo nếu ra đồng"
Ngoài ra, những người dân làm thuê, làm công nhân thì sẽ có thêm thời gian ban ngày làm được các công việc khác
Người dân ngồi lên bao thóc, xem điện thoại trong lúc chờ máy gặt
Theo Đinh Huy (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)