8/3 ở nơi những người phụ nữ phải... mang sức vóc đàn ông
08/03/2021 14:28:10
Đó là những người phụ nữ từ tỉnh lẻ lên Hà Nội làm nghề cửu vạn, bốc vác thuê kiếm sống tại chợ đầu mối hoa quả Long Biên. Ngày 8/3 với họ cũng vẫn là một ngày lao động miệt mài và nặng nhọc như bao ngày khác…
Từ 10h đêm, những tiểu thương ở chợ Long Biên vẫn miệt mài với hoạt động đón xe chở hàng từ nơi khác đổ về. Buổi đêm, mặt hàng chủ yếu là trái cây, rau quả và thủy hải sản, còn ban ngày chủ yếu là cửa hàng tạp hóa mở cửa hoạt động.
Dù đêm khuya nhưng hàng trăm chuyến xe chở hoa quả vẫn vào ra tấp nập. Những lao động tự do, trong đó có không ít phụ nữ bắt đầu một ngày làm việc mới với cảnh khuân vác hàng hóa thoăn thoắt.
Có mặt ở chợ Long Biên lúc nửa đêm (7/3-rạng sáng 8/3) mới thấm thía được sự nặng nhọc của những người “cày đêm". Phân nửa trong số đó là những người phụ nữ làm nghề cửu vạn.
Họ là những người tỉnh lẻ lên thành phố làm nghề bốc vác thuê kiếm sống, chủ yếu ở ở Hưng Yên, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc… gần hơn có Đông Anh, Gia Lâm (Hà Nội).
Như thường lệ, đúng 10h đêm, các chị em cửu vạn đã tập trung hết ở chợ, khi có xe chở hàng là ùa nhau chạy đến xem các chủ hàng có nhu cầu thuê người khuân hàng.
Phần lớn công việc bốc vác được các chủ buôn hợp đồng với người làm thuê trước. Đa số cửu vạn sẽ làm theo mối, tuy nhiên cũng có những lao động tự do tự tìm việc theo từng chuyến hàng.
Với mỗi thùng hàng đều có giá riêng, phân theo mức nặng, nhẹ. Thùng nhỏ sẽ có giá từ 3.000 - 5000 đồng, thùng lớn từ 5.000 - 7.000 đồng.
Nghề này cũng có sự “cạnh tranh” khốc liệt. Làm cửu vạn cũng đã được 6 năm nay nhưng đây là lúc cô Bình (Phú Thọ) cảm thấy khó khăn nhất. “Mặc dù việc vẫn có để làm nhưng tìm mối khó lắm. Thêm đợt dịch Covid-19 như vừa rồi, người bán ế ẩm, người đi chợ thì thưa, tôi không có việc để làm”.
Nếu như đều việc, thì ngày làm việc của cô Bình cũng như các chị em ở đây bắt đầu từ 10 giờ tối và kết thúc lúc 7 giờ sáng. Ban ngày dành thời gian nghỉ ngơi, hoặc lại đi lượm nhặt ve chai có thêm thu nhập đến tối lại lao đầu vào công việc khuân hàng.
Ở những người phụ nữ này, ngày 8/3 với họ cũng vẫn là một ngày lao động miệt mài và nặng nhọc như bao ngày khác.
Chị Nhung (Hưng Yên) chia sẻ: “Tôi bị gẫy xương đòn do di chứng của tai nạn để lại, rồi thêm lưng bị thoát vị đĩa đệm giai đoạn 3 cùng chứng đau khớp chân nên không kéo được nhiều hàng, chỉ dùng đòn gánh buộc chặt 2 kiện hàng ở 2 đầu, mỗi chuyến như vậy tôi nhận được 10.000 đồng. Sức khỏe yếu nên thu nhập cũng giảm đi ít nhiều, nhưng vẫn cố gắng làm để có tiền cho con trai ăn học và thuốc thang cho mẹ già 83 tuổi ở quê”.
Hà Nội sau 0h, dòng người đổ về chợ Long Biên ngày một đông hơn, từng xe chở hàng vào ra đông đúc, người làm cửu vạn í ới gọi nhau khuân hàng. Cả không gian chợ huyên náo, tấp nập. Chắc có lẽ đây là giây phút nghỉ ngơi hiếm hoi của họ.
Bên cạnh những đôi vai cuồn cuộn cơ bắp gánh hàng của cánh đàn ông khỏe mạnh, là vóc dáng nhỏ nhắn nhưng đôi chân thoăn thoắt chạy hàng của của chị em phụ nữ, Trong “cuộc đua” này, những người được xem là phái yếu cũng chẳng kém cạnh gì so với cánh mày râu.
Nhiều chị em làm cửu vạn ở chợ Long Biên đã tự sắm sửa cho mình những chiếc xe đẩy hàng. Xe này có thể chở được hơn 3 tạ. Với số lượng hàng hóa nặng như thế, họ vẫn gồng mình mỗi đêm, một mình một xe nhẫn nại kiếm sống.
Ban đêm làm việc hăng say, đến rạng sáng về phòng ăn uống sơ qua rồi ngủ lấy sức, công việc vẫn cứ tiếp diễn ngày này qua ngày khác.
Đằng sau mỗi gánh hàng là gánh nặng gia đình, là tương lai của những đứa con.
Bản thân những người này đều nghĩ rằng “nhà quê thì lấy đâu ra 8/3”. Mong ước giản dị nhất cũng chỉ biết làm sao công việc không bị gián đoạn, cơm đủ no ngày 3 bữa, có tiền gửi về cho gia đình, con cái học hành chăm chỉ là hạnh phúc rồi./.
Theo Nguyễn Hà (Vov.vn)