Trận chiến trong thành phố Stalingrad (nay là Volgograd), một trong những bước ngoặt lớn nhất của nền quân sự thế giới thế kỷ 20, diễn ra từ 17/7/1942 đến 2/2/1943. Cuộc kháng chiến chống lại phát xít Đức rất khốc liệt khi Hồng quân Liên Xô không còn cách nào khác là đứng lên theo sắc lệnh nổi tiếng của Stalin: "Không lùi một bước". Một trong những công trình tưởng niệm lớn nhất là bức tượng "Mẹ Tổ quốc kêu gọi" trên đồi Mamayev Kurgan. Lính gác đổi ca tại khu tưởng niệm Mamayev Kurgan, nơi an nghỉ tập thể của 35.000 lính Liên Xô hy sinh trong trận chiến. Vào cuối trận chiến, từ khoảng 500.000 người, dân số Stalingrad chỉ còn 35.000. Từ sau chiến tranh, thành phố đã được xây dựng lại hoàn toàn. Năm 1961, Stalingrad được đổi tên thành Volgograd. Năm 2013, Tổng thống Vladimir Putin đề nghị tổ chức trưng cầu dân ý về việc đổi tên thành phố về lại Stalingrad. Chân dung vị lãnh tụ cách mạng vẫn thường xuất hiện tại các cuộc tập hợp của những người ái quốc và trong những cửa hàng lưu niệm. Volgograd cũng có bảo tàng riêng dành cho Stalin. Các nghị sĩ địa phương đã bỏ phiếu cho phép khôi phục cái tên Stalingrad 6 ngày mỗi năm, để phục vụ mục đích kỷ niệm. Tàu điện đi qua công trình tưởng niệm anh hùng Mikhail Panikakha, người lính thủy đánh bộ đã hy sinh trong trận Stalingrad bằng cách tự biến thành bó đuốc sống khi tấn công quân địch bằng bom xăng. Ông được truy tặng huân chương Sao Vàng cùng danh hiệu Anh hùng Liên Xô năm 1990 Trạm máy kéo và xe tăng của thành phố giờ đây là nơi tổ chức lễ hội rock thường niên Vologrock. Các nhóm thanh niên tham gia lễ hội nhảy múa giữa những công trình cũ bằng kim loại, phía trên treo tấm biển có chữ "Stalingrad". Trên bờ sông, vào ngày hè, một dàn nhạc chơi những bản nhạc phổ biến từ thời Liên Xô. Sau trận chiến, làng Rossoshka, cách Volgograd 35 km, chỉ còn lại đống đổ nát, tro bụi, hố và hàng nghìn xác chết. Ngày nay, làng có 2 nghĩa trang: một chôn cất 60.000 lính Đức, một là nơi an nghỉ của 20.000 lính Liên Xô. Mỗi mùa hè, các nhóm tình nguyện viên tìm kiếm hài cốt sót lại của các binh sĩ trong những cánh đồng và dưới đường phố. Năm 2017, 800 thi thể binh lính đã được phát hiện. Cựu chiến binh Vladimir Turov đã 97 tuổi. Ông kể trong trận chiến, hàng ngày tiểu đoàn của ông đẩy lùi những cuộc tấn công bằng xe tăng và phải chịu bom từ các cuộc không kích của quân Đức. Ngày 12/9/1942, tiểu đoàn gần như bị bao vây hoàn toàn. Ông đã không bỏ lại người đồng chí bị thương và cố gắng chống lại quân địch bằng súng máy. Một vụ nổ lớn xảy ra. Đầu ông xoay tròn và mắt ông hoa lên. Ông tỉnh dậy trong bệnh viện. Người dân đi lễ trong nhà thờ được All Saints được xây dựng tại khu tưởng niệm Mamayev Kurgan năm 1993, sau sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết. Trận chiến đã tạo cho thành phố nhiều vết sẹo có thể chẳng bao giờ được chữa lành. Quảng trường Anh hùng, cũng là một phần của khu tưởng niệm Mamayev Kurgan, là nơi đặt tượng đài y tá đang dìu một người lính bị thương từ chiến trường. Thành viên câu lạc bộ ái quốc Pekhotinets (Lính bộ binh) tái hiện hoạt cảnh lính Đức Quốc xã bị Hồng quân bắt và thẩm vấn. Đây cũng là một cách tưởng niệm trận chiến của người Volgograd. Sông Volga từng là mục tiêu chính của Hitler. Binh sĩ Liên Xô đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để giữ vị trí chiến lược và biểu tượng lớn này của đất nước. Giờ đây, dấu vết trận chiến đẫm máu và bi thương đã ẩn dưới mặt nước hiền hòa phẳng lặng của con sông. Dưới đáy dòng Volga, tàu, xe tăng, máy bay và phần thi thể của hàng nghìn người lính vẫn còn nằm lại. Theo Hoa Hạ (Tri Thức Trực Tuyến)