Cuộc nội chiến kéo dài hơn 5 năm đã và đang tàn phá nặng nề Syria và khiến cuộc sống của người dân nước này rơi vào cảnh khốn cùng.
Các tình nguyện viên dân phòng Syria và nhân viên cứu hộ đưa một bé sơ sinh khỏi đống đổ nát của tòa nhà đổ sập sau đợt không kích ở al-Kalasa, phía bắc thành phố Aleppo, ngày 28/4 |
Chiến đấu cơ của quân đội chính phủ cháy rụi sau khi bị Mặt trận Al-Nursa, nhóm phiến quân liên kết với tổ chức khủng bố al-Qaeda, bắn rơi ở thị trấn Al-Eis, phía bắc Syria hôm 5/4. Kể từ tháng 3/2011, những cuộc biểu tình phản đối chính phủ Syria nổ ra ở phía nam thành phố Deraa, kéo theo bất ổn nhanh chóng lan rộng trên toàn quốc và diễn ra cho tới nay. |
Trong khi đó, lợi dụng sự hỗn loạn trong khu vực, các nhóm cực đoan phát triển từ al-Qaeda đã nắm quyền kiểm soát một vùng đất rộng lớn Iraq và Syria tạo nên cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Tổ chức này áp dụng nhiều hình thức tuyên truyền nhằm chiêu mộ các tay súng đến từ nước ngoài. Trong ảnh, binh sĩ Syria đốt lá cờ của IS hôm 4/4 sau khi quân đội Syria giành lại quyền kiểm soát al-Qaryatain, một thị trấn ở thành phố Homs một ngày trước đó. |
Một người đàn ông di chuyển qua dãy nhà đổ nát ở thành phố cổ Homs ngày 26/2. Theo số liệu ước tính, 4,8 triệu người Syria đã chạy trốn quê hương để tới trại tị nạn ở các nước láng giềng. Dù thỏa thuận ngừng bắn một phần giữa các bên đã được thiết lập hồi tháng 2, những cuộc không kích, đánh bom hay giao tranh vẫn diễn ra hàng ngày khi lực lượng chính phủ Syria đang chiến đấu chống một số nhóm phiến quân, gồm IS. Ảnh: AP |
Một chiến binh nổi dậy thuộc lữ đoàn Faylaq al-Rahman ngước nhìn qua khe hầm tại khu vực Arbeen do quân nổi dậy kiểm soát ở ngoại ô thủ đô Damascus. Ảnh chụp ngày 29/1. Tới thời điểm hiện tại, xung đột ở Syria không chỉ là cuộc chiến giữa những người ủng hộ và chống đối Tổng thống Bashar al-Assad. Nó đã trở thành cuộc chiến của nhiều phe phái với sự hỗ trợ của các nước trong và ngoài khu vực. Ngay cả những nước đồng minh cũng có những toan tính khác biệt trong cuộc chiến này. Ảnh: AP |
Khói bốc lên sau các cuộc không kích do lực lượng chính phủ Syria tiến hành ở khu vực Daraa do quân nổi dậy kiểm soát hôm 17/2. |
Bụi bám trên mặt một phụ nữ bị thương sau các đợt không kích tại thành phố Aleppo ngày 28/4. Ảnh: Reuters |
Nhân viên cứu hộ Syria và người dân cố gắng giúp một người đàn ông bị thương nặng nằm trên đống đổ nát sau một đợt không kích tại Salhin, phía bắc Aleppo. Ảnh chụp ngày 11/3. |
Một quả bom chùm nằm trên nền đất thị trấn al-Tmanah, phía nam vùng nông thôn Idlib ngày 21/5. Bom chùm là loại vũ khí có tính sát thương cao, có thể phá hủy xe cơ giới, gây cháy và biết tự tìm mục tiêu. Ảnh: Reuters |
Một người đàn ông bị thương nằm tại bệnh viện dã chiến sau cuộc không kích của chính phủ Syria ở thị trấn Deir Al-Assafir, đồn lũy của phe đối lập, ngày 31/3. Đợt không kích đã giết chết ít nhất 23 người, gồm 4 trẻ em, theo Đài Quan sát Nhân quyền Syria. |
Một chiếc xe bốc cháy sau vụ đánh bom liều chết tại bãi đậu xe ở thị trấn ven biển Tartus vào giờ cao điểm sáng 23/5. Ảnh: AP |
Xe tăng của phe đối lập di chuyển ở thành phố Daraa, miền Nam Syria trong cuộc đụng độ với lực lượng ủng hộ chính phủ hôm 10/5. |
Một phụ nữ người tị nạn Syria bế con khi đi qua biên giới Jordan ngày 4/5. Cuộc khủng hoảng nhân đạo là hệ quả của cuộc nội chiến dai dẳng suốt 5 năm. Ảnh: Reuters |
Trẻ em Syria chạy ngang qua các tòa nhà bị phá hủy nặng nề ở Jobar, ngoại ô phía đông thủ đô Damascus ngày 30/4. |
Hai người đàn ông lại gần phía một con bò bị thương sau đợt không kích ở Idilib, gần biên giới Syria - Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6/4. Ảnh: Reuters |
Đoàn xe của tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế chở hàng viện trợ nhân đạo tới Kafr Batna, phía đông Ghouta, ngoại ô thủ đô Damascus, ngày 23/2. |
Ngôi đền Bel 2.000 năm tuổi ở thành phố cổ Palmyra trở thành đống đổ nát sau khi bị phiến quân IS phá hủy. Ở Syria, không một bên nào có thể tạo ra một thất bại mang tính quyết định đối với bên khác. Điều đó khiến bất ổn tiếp tục kéo dài và gần như không có hồi kết. Cộng đồng quốc tế từ lâu đã kết luận rằng, chỉ có một giải pháp chính trị mới có thể chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Syria. Tuy nhiên, cho tới nay, mọi biện pháp dường như không mang lại hiệu quả rõ rệt nào. |