Chiều 23/7, tại huyện Văn Chấn (Yên Bái), địa phương bị thiệt hại nặng nhất do lũ, sạt lở đất, 3 xã vẫn còn bị cô lập, gồm An Lương, Nậm Mười và Sùng Đô. Ở các xã này, mức thiệt hại rất nặng. Bước đầu chính quyền mới hỗ trợ được gia đình có người chết, người mất tích, đảm bảo an sinh cho người dân các thôn bị cô lập. Theo báo cáo của lãnh đạo huyện Văn Chấn, công tác cứu hộ, cứu trợ cho người dân ở 7 thôn của 3 xã Sùng Đô, Nậm Mười và Suối Quyền vẫn gặp khó khăn; riêng xã An Lương chưa thể tiếp cận được. Tại xã Nậm Mười, theo thống kê sơ bộ có tới 20 điểm sạt trên đường, trong đó 10 điểm sạt nặng và 2 điểm sạt ta luy âm làm mất đường; 54 hộ có nhà bị sập, trôi, trong đó 21 hộ có nhà bị sập trôi hoàn toàn. Tuyến đường liên xã từ bản Mười, xã Sơn Lương, đi 3 xã nói trên sạt lở nghiêm trọng với hàng trăm điểm sạt taluy âm và dương. Nhiều máy xúc máy ủi và xe tải được huy động nhưng để nối lại giao thông thì còn rất nhiều khó khăn do khối lượng công việc quá lớn. Đoạn đường vào trung tâm xã Nậm Mười ngày 23/7 vẫn ngổn ngang. Hàng nghìn khối bùn đất, cây cối từ đỉnh núi sạt xuống chắn ngang mặt đường. Nhiều đoạn sạt lở nghiêm trọng, đứt hẳn đường, gãy sập taluy. Máy xúc được điều động tới khắc phục sự cố nhằm sớm thông con đường độc đạo dẫn vào trung tâm xã Nậm Mười. Tuy nhiên, đến nay hiện trường vẫn ngổn ngang đất đá. Đoạn đường vào bản Làng Cò, xã Nậm Mười, cũng lâm vào tình trạng tương tự. Người dân muốn ra khỏi bản hầu hết phải đi bộ. Lo lắng thiếu lương thực và nhu yếu phẩm cần thiết, một số liều mình đẩy xe máy qua suối rồi tiếp tục chạy ra ngoài. Bà Đặng Thị Nhị (48 tuổi, trú bản Làng Cò, xã Nậm Mười) cho biết 4 ngày nay bản gần như bị cách ly do con đường sạt lở, gãy sập xuống suối mất nhiều đoạn. “Mất điện, thiếu nước, thiếu thức ăn và đồ nhu yếu phẩm nên vợ chồng tôi liều dắt xe qua suối ra ngoài mua thêm đồ đạc dùng cho gia đình và lấy thêm cho bà con”, bà Nhị nói. Yên Bái là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất do mưa lũ gây ra trong những ngày qua, với 29 người chết, mất tích và bị thương; trên 3.870 ngôi nhà bị hư hỏng, trong đó có gần 300 nhà bị sập trôi hoàn toàn; trên 2.000 ha lúa, hoa màu bị mất trắng; hàng loạt tuyến giao thông bị sạt lở, ách tắc… Ước thiệt hại về kinh tế khoảng 200 tỷ đồng. Theo Việt Linh - Phạm Trường - Đình Sơn (Tri Thức Trực Tuyến)