Vụ khủng bố 11/9 là vết sẹo mãi mãi thay đổi nước Mỹ và cả thế giới. Trong tích tắc, gần 3.000 người cùng 19 kẻ khủng bố tàn ác thiệt mạng. 17 năm sau, hơn 1.100 nạn nhân của vụ khủng bố tại Trung tâm Thương mại Thế giới vẫn chưa được xác định danh tính. Tại phòng giám định ở New York, nhóm chuyên gia vẫn tiếp tục nỗ lực định danh hài cốt. Ngày qua ngày, họ lặp đi lặp lại một quy trình hàng chục lần. Ban đầu, họ giám định mảnh xương được tìm thấy trong đống đổ nát của Tòa tháp đôi, nhưng chưa thể khớp được với DNA. Hài cốt sau đó được nghiền mịn, trộn với chất hóa học để tách DNA. Tuy nhiên, phương pháp này không phải lúc nào cũng thành công. “Xương là vật liệu sinh học khó nhất để xét nghiệm”, Mark Desire, phó giám đốc pháp y tại cơ quan khám nghiệm New York, cho biết. “Không chỉ vậy, khi chúng tiếp xúc với những yếu tố khác ở khu vực phát nổ như lửa, nấm mốc, vi khuẩn, ánh sáng mặt trời và xăng dầu, tất cả những thứ này phá hủy ADN. Vậy nên, bạn chỉ có lượng mẫu ADN rất nhỏ” Chỉ một bộ phận trong phòng nghiên cứu là dành cho công tác xác minh vụ 11/9. Cơ quan này ngoài ra còn chịu trách nhiệm khám nghiệm pháp y cho nhiều vụ giết người và mất tích. Trong ảnh, khay đựng mẫu DNA tại phòng giám định pháp y ở New York. Ảnh: Reuters. Hồi tháng 7, sau gần một năm không tiến triển, phòng thí nghiệm đã có thể đưa thêm một cái tên nữa vào danh sách. Đó là Scott Michael Johnson, nhà phân tích tài chính 26 tuổi, làm việc ở tầng 89 tháp phía nam. “Tôi rất mừng. Chúng tôi được đào tạo để giữ cho mình không bị ảnh hưởng, nhưng chúng tôi cũng bị tác động. Vụ việc này ảnh hưởng đến tất cả mọi người theo một cách nào đó. Dù vậy, tôi cố gắng làm việc chuyên nghiệp và mang đến sự yên lòng cho các gia đình”, nhà tội phạm học Veronica Cano chia sẻ. Ảnh: Reuters Nhóm chuyên gia làm công tác xác định danh tính nạn nhân trong vụ khủng bố 11/9 làm việc trong văn phòng cách Ground Zero (vị trí tòa tháp bị phá hủy) 2 km. Ảnh: AP. 22.000 mẫu hài cốt còn sót lại ở hiện trường đều đã được giám nghiệm, một số còn được xét nghiệm tới 10-15 lần. Dù vậy, tới nay, chỉ 1.642 người trong 2.753 nạn nhân thiệt mạng được định danh. Quá trình xác minh 1.111 người còn lại vẫn đang tiếp tục. Nhiều năm trôi qua không tiến triển nhưng các nhân viên giám định không bỏ cuộc. “Quy trình giám định giống như phương pháp chúng tôi có từ năm 2001, nhưng chúng tôi đã có thể nâng cấp quá trình thực hiện từng bước”, ông Desire nói. Ảnh: AP. Người thân của nạn nhân thỉnh thoảng ghé qua phòng giám định. “Thật khó để không cảm thấy xúc động bởi những cái ôm và lời cảm ơn. Điều đó rất đáng quý vì tôi cảm thấy mình đang làm được điều tốt cho ai đó”, bà Cano nói. Ảnh: AP. Gia đình nạn nhân đóng vai trò quan trọng bởi chỉ qua so sánh DNA của thi hài với mẫu cung cấp bởi người thân thì danh tính nạn nhân mới được xác định. Văn phòng pháp y hiện có 17.000 mẫu DNA nhưng khoảng 100 nạn nhân không có mẫu nào trùng khớp. Nỗ lực xác định danh tính của những nạn nhân này dường như đều vô ích. Ảnh: Reuters. Gia đình nạn nhân được thông báo về tin tức người thân thiệt mạng theo cách họ muốn. “Khi được thông báo, bạn cảm giác như mình được đưa trở về ngày đó và hồi tưởng cách họ chết bi thảm. Nhưng thông báo này đồng thời lại an ủi rằng bạn có thể chôn cất người thân yêu một cách tử tế”, Mary Fetchet chia sẻ. Bà mất con trai 24 tuổi khi tòa tháp sụp đổ. Bà Fetchet sau đó đồng sáng lập một nhóm hoạt động xã hội nhằm giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi vụ 11/9 và nhiều bi kịch khác. Ảnh: Getty. Khi gặp gia đình nạn nhân, Desire kể ông nói về "tương lai, về những gì chúng tôi đang làm để định danh nhiều người hơn". “Chúng tôi rất thân với gia đình nạn nhân. Điều đó rất hiếm đối với nhân viên pháp y", ông chia sẻ. Tại Manhattan, ông Desire là thành viên duy nhất của nhóm pháp y ban đầu còn làm việc trong dự án. “Đây là công việc của tôi”, ông nói. Mắt ông sáng lên tia hy vọng khi nói về công nghệ mới ông háo hức được thử. Ảnh: AP. Năm 2001, người đứng đầu văn phòng pháp y, Charles Hirsch, hiểu rằng thời gian sẽ là đồng minh trong công cuộc xác minh danh tính hài cốt và ông đã yêu cầu mọi phần thi thể nạn nhân còn sót đều phải được gìn giữ. Các nhóm chuyên gia trên khắp thế giới, từ Argentina và Nam Phi, giờ cũng tới New York để học hỏi từ nhóm giám định. Ảnh: Reuters. Những chuyên gia hiện làm việc trong phòng thí nghiệm tại New York của ông Desire “có lẽ học tiểu học vào thời điểm vụ tấn công xảy ra. Dù vậy, họ hiểu điều này quan trọng ra sao", ông Desire cười, nói. Ảnh: Getty. Gần 17 năm trôi qua nhưng dường như cả thế giới nói chung và người Mỹ nói riêng vẫn không thể quên 102 phút kinh hoàng, kể từ thời khắc chiếc máy bay mang số hiệu 11 của hãng hàng không American Airlines đâm vào tháp phía bắc thuộc Trung tâm Thương mại Thế giới hôm 11/9/2001. New York ở trong tình trạng báo động. Lần đầu tiên trong lịch sử, Cơ quan Quản trị Hàng không Hoa Kỳ (FAA) ra lệnh đóng cửa tất cả các phi trường trên nước Mỹ. Ảnh: NASA. Theo Ngọc Hà (Tri Thức Trực Tuyến)