CUỘC SỐNG THIẾU ĐIỆN NƯỚC Ở XÓM ĐÈN DẦU SÀI GÒN. Xóm không điện nước thuộc ấp 4 tổ 25, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn (TP HCM). Đây là nơi tập trung các gia đình từ miền Tây lên thành phố tìm công ăn việc làm. Có khoảng 10 hộ dân sống trong những ngôi nhà lợp tạm bợ và chịu cảnh không điện, nước sạch nhiều năm qua. Ảnh: Nguyễn Quang. |
|
NGƯỜI MẸ MỖI NGÀY VƯỢT 160 KM ĐƯA CON LÊN SÀI GÒN HỌC. Chị Nguyễn Thị Phương (26 tuổi, ngụ xã Phước Kiểng, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang) và con trai (5 tuổi) Đặng Nguyễn Tuấn Kiệt - bị mù và bại liệt từ nhỏ. Mỗi ngày hai mẹ con phải vượt quãng đường cả đi lẫn về là 160 km từ nhà lên TP HCM để học và chữa trị bệnh. Ảnh: Nguyễn Quang. |
|
NHỮNG NGƯỜI MÓT SẮT Ở KHU ĐÔ THỊ MỚI CỦA SÀI GÒN. Dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, hiện vẫn tiếp tục giải toả và tiến hành thi công. Giữa đại công trình, nhiều căn nhà đã được tháo dỡ, do đó, các loại máy móc đào đất, xe ben liên tục đổ đất và để lại những mẩu sắt thép vụn, cũ. Từ đây xuất hiện nhiều người làm nghề mót sắt hàng ngày. Ảnh: Lê Quân. |
|
GIA CẢNH NGƯỜI SỐNG TRÊN GHE GẦN CAO ỐC SÀI GÒN. Con thuyền gỗ bệ rạc đã ngót nghét hơn 20 năm tuổi nằm dưới chân cầu Rạch Bàn 2, ngay bên cạnh những tòa nhà cao ốc trên đường Nguyễn Hữu Thọ, quận 7 là nơi cư ngụ của ông Lê Văn Đực (55 tuổi) cùng vợ và cô con gái 8 tuổi. Sau mỗi buổi chiều đi bán vé số về, ông Đực lại cùng cô bé ra ngoài lề đường chơi đủ thứ trò tạo niềm vui. Ảnh: Nguyễn Quang. |
|
XÓM NGHÈO NHƯ BẢN LÀNG MIỀN NÚI BÊN CẦU SÀI GÒN. Xóm này nằm cách chân cầu Sài Gòn vài trăm mét, thuộc phường An Phú, quận 2, TP HCM. Nơi đây, hàng trăm dân nhập cư sống trong những ngôi nhà mái lá dừa dựng từ các vật dụng bỏ đi như tôn, ván ép, gạch vữa. Cây cỏ um tùm mọc lên bên rạch nước tù đọng. Ảnh: Hải An. |
|
PHÚT CUỐI Ở BẾN PHÀ 100 TUỔI CỦA NGƯỜI DÂN MIỀN TÂY. Hành khách và nhân viên làm việc trên bến phà Mỹ Lợi nối hai tỉnh Long An và Tiền Giang không tránh khỏi bùi ngùi khi bước chân lên chuyến phà cuối cùng từng để lại nhiều kỷ niệm. Bến phà trên sông Vàm Cỏ này thuộc xã Bình Đông, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang đã có lịch sử tồn tại hơn 100 năm, nối hai tỉnh Tiền Giang và Long An, chính thức ngừng hoạt động từ ngày 29/8 khi cầu Mỹ Lợi hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ảnh: Hải An. |
|
62 GIỜ TIẾP TẾ ĐẾN KHỐI ĐÁ KHỔNG LỒ TRÊN BIỂN ĐÔNG. Đội cán bộ gồm 5 thành viên trải qua một hành trình dài hơn 150 hải lý từ Nha Trang đến đảo Hòn Hải (thuộc đảo Phú Quý, Bình Thuận) để thay ca và cung cấp lương thực đảm bảo đủ dùng trong 5 tháng. Trong suốt 62 giờ hành trình, họ phải trải qua nhiều vất vả lẫn sự hiểm nguy thường trực. Ảnh: Hải An. |
|
DÂN VÙNG MỎ GƯỢNG DẬY SAU LŨ BÙN CHƯA TỪNG THẤY. Trận lũ lịch sử hồi đầu tháng 8/2015 tại Quảng Ninh đã gây ra nhiều thiệt hại về người lẫn của cho nhân dân địa phương. Theo thống kê, tại hai tổ dân số 1 và 2 (khu dân cư số 4 Mông Dương), 67 hộ mất nhà do bị ngập hoàn toàn trong bùn đất, 40 hộ bị ảnh hưởng bởi đường xá chia cắt không có lối vào. Hình ảnh chiếc xe máy trước sân dãy nhà trọ bị bùn đất vùi lấp tiêu biểu cho sự thiệt hại của cơn lũ lịch sử lớn nhất suốt 40 năm qua tại vùng đất mỏ. Ảnh: Anh Tuấn. |
|
CUỘC SỐNG CỦA MẸ ĐƠN THÂN CHỐNG CHỌI UNG THƯ. Vừa bước qua tuổi 30 tươi đẹp chưa lâu, chị Bùi Thu Thủy bất ngờ đón nhận tin mình bị ung thư vú. Đến nay, chị đã phải trải qua 8 lần hóa trị, hiện trong giai đoạn dùng thuốc để ức chế hormon nữ. May mắn, Thủy có cậu con trai tuy mới 10 tuổi nhưng bé thấu hiểu được hết những tâm sự của người sinh ra mình. Cu Bốp biết chăm sóc mẹ, có thể làm được những việc nhỏ trong nhà, nấu các món ăn đơn giản. Với em, mẹ là người xinh đẹp nhất trên đời dù đã cạo đi mái tóc. Ảnh: Chí Toàn. |
CẢNH ĐỜI KHÔNG NHÀ CỬA TRONG ĐÊM ĐÔNG GIÁ LẠNH. Tại công viên Lê Nin gần phố Điện Biên Phủ (Hà Nội), một người đàn ông không có chăn lẫn tấm trải nền nào nằm ngủ qua đêm. Khu vực này thoáng và nhiều cây nên gió thổi rất lạnh. Đây là một trong hàng trăm người dân vô gia cư đang sống vất vưởng ngoài đường phố. Nhìn thấy hoàn cảnh này, nhiều độc giả Zing.vn không khỏi xúc động, chạnh lòng. Ảnh: Lê Hiếu. |