Lần đầu tiên trong lịch sử thể thao VN, xạ thủ Hoàng Xuân Vinh đã phải thú nhận mình “sốc” trong ngày “vinh quy bái tổ” trước sự cuồng nhiệt của người dân.
Hoàng Xuân Vinh và chiếc HCV súng ngắn hơi 10 m. Ảnh: REUTERS |
Thật vậy, xưa nay mấy ai quan tâm đến bắn súng. Khi họ thi đấu cũng chẳng mấy người theo dõi. Họ đoạt huy chương SEA Games, Asiad... trở về cũng mấy ai đón. Nhưng lần này thì khác, đơn giản bởi đó là chiếc HCV Olympic. Lớn lắm!
Chính vì nó quá lớn, cho nên các quan chức ngành thể thao tràn trề hi vọng với sự kiện Olympic Rio 2016 sẽ chỉ nghe những lời khen ngợi, khác hẳn với Bắc Kinh 2008 hay London 2012. Nào ngờ khen Xuân Vinh thì ai cũng khen, cũng hạnh phúc; nhưng cũng lắm lời chì chiết nhắm vào ngành thể thao, cụ thể qua câu chuyện Minh - Trang phải tự chăm sóc cho nhau trên sân cầu lông, chuyện Văn Ngọc Tú cô đơn trên thảm đấu judo... Và từ chuyện này, báo chí phanh phui ra câu chuyện ông giám đốc Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia 1 (Nhổn) chuyến xuất ngoại nào cũng có mặt.
Sự việc ồn ào đến mức lãnh đạo ngành thể thao đã than thở công khai:“Sao kỳ vậy, thất bại bị mắng đã đành, còn bây giờ thành công cũng bị mắng là sao?”!
Thật ra, xin đừng nghĩ là “mắng” là “nói xấu” thì mọi chuyện sẽ được tiếp nhận dễ chịu hơn. Tại sao các nhà báo không nói ai khác mà lại nói đến vị giám đốc Nhổn? Đơn giản bởi xung quanh vị này đơn thư tố cáo vô số kể, lãnh đạo ngành thể thao đã lập nhiều đoàn xuống kiểm tra nhưng rồi lại im lặng một cách khó hiểu. Nên bây giờ là dịp báo chí đặt vấn đề về chuyện này.
Hay nữa, chuyện giành suất xuất ngoại nào có phải là chuyện mới. Nói đâu xa, ngay trước thềm Olympic 2016, làng cầu lông đã xôn xao với câu chuyện Nguyễn Tiến Minh - Vũ Thị Trang dự Giải Úc mở rộng tại Sydney với sự tháp tùng của ông vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao cùng bà trưởng bộ môn cầu lông của Tổng cục TDTT. Đó là một chuyến đi mà ở 36 Trần Phú (trụ sở Tổng cục TDTT) xầm xì chẳng biết đi để làm gì, chỉ có tốn tiền vô bổ!
Mà nào chỉ có những môn dự Olympic 2016, ngay cả bóng đá cũng đang tồn tại vô vàn vấn đề nghiêm trọng (mới nhất là việc người đứng đầu trọng tài vẫn bình chân như vại dù lực lượng này đang quá sức tai tiếng, việc khán giả sút giảm nghiêm trọng ở V-League...), nhưng vẫn chưa thấy được sự quyết liệt của lãnh đạo ngành thể thao trong việc giải quyết “khối u” này.
Thể thao Việt lẽ ra đã phải mạnh hơn rất nhiều, nếu không có quá nhiều chuyện không giống ai. Vì vậy, chiến thắng rực rỡ của Xuân Vinh tuy vui đó, nhưng cũng không thể vì điều ấy mà không nói thẳng vào những tồn tại.
Muốn thay đổi để phát triển, xin hãy nghe những lời nói thẳng (dù khó nghe), chứ đừng mê mải đi tìm lời có cánh!
Theo Huy Thọ (Tuổi Trẻ)