World Cup 2022 có thể đổ bể vì khủng hoảng ngoại giao ở Qatar

09/06/2017 10:26:00

Kế hoạch đăng cai ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh của Qatar có thể phá sản vì những diễn biến chính trị phức tạp gần đây.

Kế hoạch đăng cai ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh của Qatar có thể phá sản vì những diễn biến chính trị phức tạp gần đây.

Sân vận động Khalifa tại Doha khánh thành vào tháng 5/2017, một trong những địa điểm tổ chức World Cup 2022.

Vì những mâu thuẫn kéo dài nhiều năm qua, mới đây Ảrập Xêut, UAE, Bahrain đã đóng cửa tuyến đường bộ duy nhất nối với Qatar. Các nước này cũng từ chối cho sử dụng hải phận và không phận của họ để đến Qatar.

Qatar đã chi hàng tỷ đôla cho kế hoạch đăng cai World Cup 2022, bao gồm xây dựng chín sân vận động và nhiều cơ sở vật chất. Tuy nhiên, đất nước này đang chìm trong lo âu khi cuộc khủng hoảng ngoại giao xảy ra. Người dân tại đây đang dự trữ lương thực.

Con đường nối với biên giới Ảrập Xêut là cách duy nhất bằng đường bộ đến Qatar - vốn là một bán đảo nhỏ. Qatar phụ thuộc nhiều vào các hải cảng để vận chuyển hàng hóa và việc bị các nước láng giềng cấm sử dụng không phận là một thiệt thòi lớn với họ nói chung và hãng máy bay Qatar Airways, nhà tài trợ của FIFA, nói riêng.

world-cup-2022-co-the-do-be-vi-khung-hoang-ngoai-giao-o-qatar-1

Qatar Airways, hãng hàng không đang là nhà tài trợ của FIFA, chịu thiệt hại khi bị các nước Ả-rập cấm sử dụng không phận.

FIFA chưa bình luận về vụ việc này. Tuy nhiên, theo Reuters, cơ quan quản lý bóng đá thế giới đã liên lạc với Ủy ban tổ chức World Cup 2022 trong nhiều ngày qua để nắm bắt tình hình.

"Chúng tôi vẫn liên lạc thường xuyên với Ủy ban tổ chức cùng Ủy ban Giao nhận và Di sản Qatar về những vấn đề liên quan đến việc tổ chức World Cup 2022. Chúng tôi không có bình luận gì thêm", FIFA thông báo.

Ủy ban tổ chức World Cup 2022 của Qatar và Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đều từ chối bình luận về vấn đề này. Tuy nhiên, một nguồn tin thân cận cho tờ Guardian biết rằng Qatar đang đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ khi họ thắng thầu đăng cai World Cup 2022 vào năm 2010.

Liên đoàn bóng đá Đức (DFB), một liên đoàn có ảnh hưởng lớn và sở hữu đội bóng vô địch World Cup gần nhất, cho biết họ sẽ trao đổi vấn đề này với chính phủ và UEFA. 

world-cup-2022-co-the-do-be-vi-khung-hoang-ngoai-giao-o-qatar-2

FIFA từ chối bình luận về sự cố tại Qatar. Ảnh: Reuters.

Reinhard Grindel, Chủ tịch của DFB, chờ đợi một phương án chính trị để giải quyết sự cố. Nhưng ông tuyên bố: "Cộng đồng bóng đá quốc tế nên chấp nhận rằng những giải đấu lớn không thể tổ chức ở các quốc gia ủng hộ khủng bố".

Ả-rập Xêut tuyên bố nguyên nhân cắt đứt quan hệ với Qatar là bởi nước này "bao che nhiều lực lượng khủng bố và các phe phái gây bất ổn trong khu vực". Thậm chí, Ả-rập Xêut buộc tội Qatar hỗ trợ tổ chức khủng bố khét tiếng Al-Qaeda và Nhà nước Hồi Giáo tự xưng (IS).

Đội tuyển quốc gia Qatar đang tham dự vòng loại World Cup 2018 và đang đứng chót bảng đấu có Hàn Quốc, Trung Quốc và Syria, với bốn điểm sau bảy trận. Tuy nhiên, trước khi giải quyết vấn đề chuyên môn, một thách thức lớn khác đang chờ Qatar giải quyết.

Để tiến tới World Cup 2022, Qatar đã tổ chức hàng loạt sự kiện thể thao với quy mô thế giới và khu vực. Dự kiến, tháng Chín tới, nước này sẽ đăng cai World Cup bơi lội. Liên đoàn bơi lội (FINA) không trả lời câu hỏi của Reuters về việc có xúc tiến sự kiện này trong bối cảnh phức tạp hiện nay hay không

Qatar muốn tạo ảnh hưởng lên quốc tế thông qua thể thao. Tuy nhiên, kế hoạch này sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi sự cố chính trị gần đây.

Theo Di Khánh (VnExpress.net)

Nổi bật