Thay đổi này được ban tổ chức Wimbledon đưa ra, sau khi chứng kiến Kevin Anderson và John Isner mất tới gần ba giờ đồng hồ để thi đấu set quyết định tại bán kết giải năm nay. Tổng thời lượng của trận đấu là gần sáu tiếng rưỡi, dài thứ nhì trong lịch sử giải. Anderson sau đó không đảm bảo thể lực cho trận chung kết, thua dễ Novak Djokovic sau ba set.
“Đã đến lúc thay đổi”, ông Philip Brook, chủ tịch CLB Tennis toàn Anh – đơn vị tổ chức Wimbledon, cho biết. “Không có nhiều trận đấu diễn ra dai dẳng trong set cuối, nhưng chúng tôi nhận thấy loạt tie-break xuất hiện khi tỷ số kéo đến 12-12 là điều cần thiết. Điều này vẫn giúp các tay vợt cơ hội giành chiến thắng bằng việc thắng game giao bóng của đối thủ như truyền thống, nhưng cũng đồng thời đảm bảo trận đấu sẽ không vượt quá thời lượng thường thấy”.
Loạt tie-break set cuối tại Wimbledon vẫn sẽ diễn ra theo luật “chạm bảy”. Người ghi được bảy điểm trước sẽ giành chiến thắng. Nếu tỷ số tie-break là 6-6, hai tay vợt sẽ đấu đến khi có người tạo ra cách biệt hai điểm. Ban tổ chức sẽ áp dụng tie-break set cuối cho toàn bộ các nội dung thi đấu tại Wimbledon kể từ năm 2019.
Các tay vợt giao bóng mạnh thường rất khó mất game giao bóng trên mặt sân cỏ, nơi bóng đi nhanh. Năm 2010, hai tay vợt John Isner và Nicolas Mahut từng mất tới ba ngày để thi đấu vòng một Wimbledon. Tỷ số set cuối là 70-68. Isner sau đó kiệt sức, thua nhanh tại vòng hai. Khi đó, loạt tie-break set cuối đã được nhiều tay vợt đề xuất, nhưng phải đến gần 10 năm sau, ban tổ chức mới chấp thuận yêu cầu của các VĐV.
Theo Nhân Đạt (VnExpress.net)