"Cái bánh vẽ" Filip Nguyễn
Dĩ nhiên là đẳng cấp từng được ra sân thi đấu ở Europa League của Filip Nguyễn, cũng như được chơi ở giải VĐQG Czech cho thấy thủ thành Việt kiều này có sự vượt trội so với Đặng Văn Lâm, và nếu HLV Park Hang-seo có được chốt chặn này trong hành trình chinh phục vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á, không chỉ đội tuyển Trung Quốc, và sẽ có không ít đối thủ phải tập trung sự chú ý và thủ thành này.
Song khả năng Filip Nguyễn có thể ra sân trong màu áo đội tuyển Việt Nam sớm - ở giải đấu trước mắt của thầy Park, khả thi đến đâu? Không khó để trả lời. 0%.
Nhìn vào những gì đang diễn ra trước mắt với V.League, rõ ràng khả năng một "ông lớn" nào đấy của giải VĐQG Việt Nam chiêu mộ thủ thành Việt kiều này với mức lương khoảng 15.000 USD mỗi tháng, kèm theo đấy là số tiền khổng lồ để mua và lót tay của Filip Nguyễn, là cực kỳ điên rồ. Hơn thế nữa, thủ thành này cũng sẽ phải cực kỳ cân nhắc khi rời châu Âu để trở về Việt Nam.
Nên nhớ Đặng Văn Lâm sang Việt Nam thi đấu, là bởi sự nghiệp bóng đá của anh trên đất Nga hoàn toàn bị "bít cửa". Việt Nam là lựa chọn sau cùng, là "chiếc phao cứu sinh" cuối cùng mà thủ thành Việt kiều này lựa chọn.
Có một khả năng khác, rằng Filip Nguyễn không cần rời châu Âu, nhưng vẫn nhập tịch và thi đấu cho đội tuyển Việt Nam. Song với điều kiện "đò giang cách trở" như hiện tại và tương lai lần, khả năng này là hoàn toàn vô vọng.
Quên Filip Nguyễn đi, liệu thầy Park sẽ đặt niềm tin vào Đặng Văn Lâm? Chưa chắc.
Bởi ngay cả Đặng Văn Lâm cũng sẽ cực kỳ khó có cơ hội góp mặt cùng đội tuyển Việt Nam khi đang phải tập trung phục vụ CLB của mình trên đất Nhật, bên cạnh đó là hàng loạt quy định ngặt nghèo của Nhật Bản trong việc nhập cảnh dưới sự đe dọa của đại dịch Covid-19, khiến khả năng "đi mây về gió" để chơi cho tuyển Việt Nam ở vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á của Văn Lâm cũng "vô kế khả thi" nốt.
Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời
Vậy, sự lựa chọn tối ưu trước mắt của thầy Park chỉ có thể là Tấn Trường.
Nói một cách công bằng, ở 3 trận cuối vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á trên đất UEA, tuy để thủng lưới đến 4 bàn (so với chỉ 1 bàn của Đặng Văn Lâm ở 5 trận đấu trước), song Tấn Trường đã có màn "ra mắt" HLV Park Hang-seo cực kỳ ấn tượng, với sự ổn định khá cao, xóa tan được "cái dớp" 12 năm về trước, cũng như màn trình diễn "thảm họa" ở đấu trường AFC Champions trong màu áo Becamex Bình Dương năm 2026.
Song cũng chính ở loạt trận trên đấy UAE, Tấn Trường lại để lộ ra "điểm yếu chết người" khiến thầy trò HLV Park Hang-seo nhiều khả năng sẽ phải "ăn đòn đủ" trước các đối thủ mạnh, mà ở chặng đường phía trước, đội tuyển Việt Nam sẽ phải chạm trán với toàn các đối thủ mạnh. Đấy chính là thói quen "bắt bài" đối phương trong những tình huống sút xa, nhất là trước các đối thủ quyết định.
Ở V.League 2021, hai đội bóng đang dẫn đầu là HAG và Viettel, còn CLB Hà Nội của Tấn Trường đang ở thế "dở khóc dở cười" khi đứng "chơi vơi" tận thứ 7, và Tấn Trường góp phần không nhỏ trong cái sự "dở khóc dở cười" ấy của đội bóng thủ đô.
Đối đầu cả Viettel lẫn HAGL, CLB Hà Nội đều để thua với tỉ số sít sao 0-1, và cả hai bàn thua ấy đều tên từ sai lầm đáng tiếc, và đáng trách của Tấn Trường.
Trận đấu cực kỳ quyết định của CLB Hà Nội trên sân Pleiku của HAGL, bàn thắng duy nhất của trận đấu được ghi vào lưới Tấn Trường bởi cú sút xa của Xuân Trường. Tình huống ấy, Tấn Trường - như thường lệ, khẽ nhớm người sang trái tính "bắt bài". Ai dè, cú sút không quá căng, cũng không quá hiểm hóc của tiền vệ người Tuyên Quang lại đi vào góc đối diện, tung lưới trong sự tẽn tò của thủ thành 35 tuổi.
Trước đó, ở vòng 8 V.League 2021, CLB Hà Nội cũng bị Viettel hạ bằng bàn thắng duy nhất đến từ cú sút xa của Trọng Hoàng. Ngay sau khi bóng tung lưới, máy quay bắt được cảnh Tấn Trường cười rất tươi. Nhưng hẳn đấy là nụ cười cay đắng, bởi đáng lý anh phải đẩy được pha bóng ấy.
Nhưng Xuân Trường, cú sút của Trọng Hoàng là không khó, chỉ có điều khi bóng vừa rời khỏi chân cầu thủ xứ Nghệ, Tấn Trường đã vội khuỵu chân "bắt bài", thay vì đứng bắt bóng như các thủ môn khác. Kết quả là dù bóng đi khá "hiền", song vẫn nằm ngoài tầm với của thủ thành này.
Phút 71 trận đấu với Indonesia ở Dubai, Tấn Trường lại lần nữa lặp lại sai lầm ấy. Egy Maulana đi bóng và tung cú sút từ ngoài vòng cấm. Thủ thành Việt Nam thêm lần nữa khẽ nhớm sang trái "như thường lệ" để "bắt bài", để rồi bóng đi theo hướng ngược lại, và Tấn Trường phải bay ngược lại, dùng tay trái để với bóng, thay vì tay phải lợi thế hơn nhiều. May mắn, cú sút ấy ăn vào đúng xà ngang, đập đất ra ngoài.
Với việc đội tuyển Việt Nam chỉ được xếp vào nhóm hạt giống thứ 6, các đối thủ tiếp theo của thầy Park đều rất mạnh. Sút xa sẽ là một trong những phương án mà các đối thủ này sẽ dùng nhiều để uy hiếp khung thành của đội tuyển Việt Nam, nhất là Trung Quốc, với không ít các chân sút nhập tịch.
Khi đó, thói quen khó sửa của Tấn Trường sẽ khiến hàng thủ đội tuyển Việt Nam để lộ ra "điểm yếu chết người" cho các chân sút tầm châu lục tận dụng. Khi đó, HLV Park Hang-seo sẽ phải "nhớ" Văn Lâm rất nhiều, và liệu sẽ là quá muộn để sửa chữa sai lầm "được biết trước" ấy?
Theo Kim Thiền (Pháp Luật & Bạn Đọc)