Ban kỷ luật V.League đã cấm không cho CĐV Hải Phòng tới sân khách cổ vũ trong phần còn lại của mùa giải 2017. Nhưng chính họ cũng đang bất lực trong việc thực hiện án phạt ấy.
“Cơn mưa pháo sáng” trong trận Hà Nội - Hải Phòng tại vòng 14 V.League hôm 24/6 đã khiến CĐV Hải Phòng phải nhận án phạt không được tới sân khách cổ vũ trong toàn bộ phần còn lại của mùa giải 2017. Nhưng có rất nhiều lý do để VPF bối rối trong việc thực hiện án phạt này.
Thứ nhất, họ không thể xác định được ai là CĐV Hải Phòng.
Cuộc gặp mặt hồi tháng 3/2016 giữa đại diện các nhóm CĐV Hải Phòng và CLB Hải Phòng đã không đi tới thống nhất. Mâu thuẫn giữa hai bên khiến Hội CĐV chính thức của Hải Phòng chưa thể ra đời. Đến nay, Hải Phòng không có Hội CĐV chính thức, không có hội trưởng hay nội quy. CĐV Hải Phòng vì thế không chịu sự ràng buộc của một tổ chức nào. Án phạt của VFF đã nhắm vào một tổ chức không tồn tại.
Tức giận với màn trình diễn nhạt nhòa của cầu thủ đội nhà, cổ động viên CLB Hải Phòng đã ném pháo sáng xuống sân đấu khiến trọng tài phải tạm dừng trận đấu. |
Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch Hội CĐV Than Quảng Ninh Trần Lê Trung thừa nhận: “Nếu ở Quảng Ninh, CĐV nào phá phách, VPF có thể gọi cho tôi vì tôi có tiếng nói. Nhưng ở Hải Phòng, họ sẽ không thể gọi cho ai vì Hải Phòng làm gì có Hội CĐV”.
Thứ hai, bản thân người hâm mộ Hải Phòng lại phân tán trong các Hội CĐV nhỏ thuộc các quận, huyện, nhóm khác nhau. Các nhóm CĐV này hoạt động riêng rẽ, không bị ràng buộc lẫn nhau và rất khó tập trung. Họ được liên kết lại bởi một nhóm CĐV cuồng nhiệt đứng đầu là ông Văn Trần Hoàn. Mối quan hệ giữa họ rất lỏng lẻo.
Thứ ba, nguyên tắc phân phối vé ở V.League là chia thành bốn phần cho các bên: đội chủ nhà, đội khách, CĐV trung lập và nhà tài trợ. Ngay cả khi VPF ngừng phân phối vé cho CĐV Hải Phòng, họ vẫn có thể dễ dàng mua vé “chợ đen” từ nguồn vé trung lập và các nhà tài trợ.
Hàng nghìn CĐV Hải Phòng xuất phát từ sân Lạch Tray lúc 13h và sẽ tới Hà Nội lúc 15h cùng ngày để diễu hành qua các tuyến phố chính của thủ đô trước giờ đội nhà thi đấu. |
Thứ tư, ban tổ chức hiện không có cách nào xác định ai là cổ động viên Hải Phòng khi họ bước vào cửa soát vé. Quy trình soát vé của V.League hiện chỉ qua một cửa kiểm tra vé và an ninh. Tại cửa kiểm tra này, CĐV không phải trình báo tên họ, không phải xuất trình thẻ hội viên, không bị yêu cầu mặc áo đội bóng. Lực lượng soát vé của các CLB thường là cầu thủ trẻ và các nhân viên an ninh thuê ngoài.
Ông Lê Trung khẳng định: “Bây giờ CĐV Hải Phòng tới sân, họ không mặc quần áo Hải Phòng, họ bảo họ là người hâm mộ đơn thuần, họ xem đội kia, họ không hâm mộ Hải Phòng thì ai làm gì được họ?”.
Những vấn đề ấy khiến VPF rất khó khăn trong việc thực hiện án phạt của mình. Trưởng ban tổ chức giải Nguyễn Minh Ngọc thừa nhận với Zing.vn: “Tôi cũng nhức hết cả đầu với vụ này. Tôi đọc bình luận của cư dân mạng về việc này mà không biết phải làm sao. Cái này tôi sẽ phải trao đổi lại với Ban kỷ luật, đề ra yêu cầu thật chặt chẽ. Sau đó, chúng tôi sẽ có văn bản cụ thể hướng dẫn các CLB thực hiện”.
CĐV Hải Phòng phản ứng lại VPF
Khi VPF còn chưa tìm ra giải pháp thực hiện án phạt, CĐV Hải Phòng đã ngay lập tức phản ứng lại. Trước thềm trận gặp XSKT Cần Thơ tại vòng 16 hôm 2/7 tới, một nhóm CĐV Hải Phòng đã tuyên bố miễn phí 10.000 vé và huy động 50 xe cho người hâm mộ Hải Phòng tới sân Cần Thơ cổ vũ. Hành động này sẽ trực tiếp vi phạm án phạt của Ban kỷ luật.
Anh Văn Trần Hoàn - CĐV có tiếng của Hải Phòng, khẳng định: “Chúng tôi vẫn sẽ đi Cần Thơ, đi khỏe và đi nhiều hơn. Để xem họ làm được gì chúng tôi nào”.
Theo Thanh Hà (Tri Thức Trực Tuyến)