Axelsen sinh ra và lớn lên tại một thị trấn nhỏ ở thành phố Odense. Nơi đây đặt trụ sở chính của Học viện Odense. Học viện này là nơi đào tạo cầu lông số 1 châu Âu, cái nôi sản sinh ra các tay vợt hàng đầu Đan Mạch ở thời điểm hiện tại.
Niềm đam mê cầu lông của tay vợt này được truyền lại từ người cha. "Cha tôi thường chơi cầu lông vào mỗi tối thứ sáu và tôi bắt đầu theo ông ấy kể từ thời điểm đó. Từ nhà đến sân chỉ mất khoảng 5 phút thôi, đó như thể là ngôi nhà thứ hai của tôi vậy", Axelsen nói về mối lương duyên của mình với cầu lông bắt đầu từ năm anh 6 tuổi.
Qua lời kể của mẹ anh, ở độ tuổi lên 8 "ăn chưa no, lo chưa tới", tay vợt này đã có đam mê đặc biệt với cầu lông. "Thằng bé có ý thức về việc trở thành một tay vợt chuyên nghiệp, cho dù nó chẳng hiểu hết ý nghĩa thực sự của việc đó", mẹ anh nói.
Toả sáng ở tuổi đôi mươi
Bước ngoặt trong sự nghiệp của Axelsen có lẽ đến vào năm 2015, thời điểm đó tay vợt này đang ở tuổi 15, anh quyết định tham dự giải trẻ vô địch thế giới ở Cape Town (Nam Phi) và anh giành luôn chức vô định đơn nam tại giải đấu năm ấy.
Từ đó trở đi, tay vợt này nhận được nhiều sự chú ý từ người hâm mộ. Anh được đánh giá là tương lai của cầu lông Đan Mạch. Axelsen chứng minh sự kỳ vọng dành cho anh là có lý khi một năm sau đó, tay vợt này giành luôn chức vô địch giải trẻ châu Âu ở tuổi 17. Ở thời điểm đó, nhận được lời khuyên của huyền thoại cầu lông người Đan Mạch, Peter Gade, Axelsen đã quyết định thử sức mình ở các đấu trường đẳng cấp cao hơn của Liên đoàn cầu lông thế giới.
Đến năm 2012, tay vợt người Đan Mạch chính thức gia nhập nhóm các tay vợt mạnh nhất lục địa già khi giành tấm huy chương đồng giải châu Âu và huy chương bạc giải Pháp mở rộng.
Phá vỡ tượng đài mang tên Trung Quốc
Sau khi chính thức bước vào sự nghiệp cầu lông đỉnh cao, tay vợt này bắt đầu cảm nhận được sự khắc nghiệt của sân chơi này. Ở hầu hết các giải đấu anh tham gia vào năm 2013, tay vợt này đều bị loại ngay vòng 1 từ các đồng nghiệp ở châu Á. Thậm chí đã có lúc Axelsen muốn giải nghệ dù mới chớm bước vào sự nghiệp không lâu.
Qua những gấp ngã đó, Axelsen ý thức sâu sắc: nếu muốn trở thành tay vợt số 1 thế giới, buộc anh phải làm được việc mà trước đó nhiều đàn anh của mình không làm được, đó là đánh bại những đối thủ đến từ Trung Quốc, cường quốc số 1 về môn thể thao này nhiều năm qua.
Năm 2014, Axelsen có quyết định khiến nhiều người hâm mộ cảm thấy bất ngờ và có lẽ đây được coi là bước ngoặt với sự nghiệp của tay vợt này, đó là học tiếng Trung Quốc.
Không chỉ học tiếng Trung, tay vợt này còn muốn tìm hiểu văn hoá và trở thành một người Trung Quốc thật sự. Bạn bè của Axelsen kể lại: "Cậu ấy không chỉ suốt ngày nghe nhạc Trung Quốc, tập ăn đồ Tàu, quan trọng nhất là cậu ấy học được tinh thần làm việc hết mình và ý chí vươn lên không ngừng của người dân ở đất nước này".
Tay vợt người Đan Mạch tới Trung Quốc nhiều lần trong năm, thi đấu các giải đấu lớn nhỏ khác nhau, giao hữu với các tay vợt mạnh tại đây để hiểu hơn về lối chơi và điểm mạnh, điểm yếu từ các tay vợt đến từ đất nước đông dân nhất thế giới. Sau này, huấn luyện viên của Axelsen cũng là một người Trung Quốc, ông Zhang Lianying.
Sau những nỗ lực khổ luyện của mình, năm 2016 và 2017 có lẽ là khoảng thời gian chứng kiến sự toả sáng rực rỡ nhất của tay vợt sinh năm 1994. Năm 2016, Axelsen vượt qua cả Lee Chong Wei và Son Wan Ho để đăng quang tại giải Super Series Final. Cùng năm đó, anh đánh bại Lin Dan để mang về chiếc huy chương đồng cho Đan Mạch tại Olympic Rio.
Năm 2017 tại giải vô địch thế giới, Axelsen gây bất ngờ cho toàn bộ người hâm mộ theo dõi giải đấu này khi anh đánh bại Chen Long, nhà vô địch Olympic và Lin Dan, tay vợt số 1 Trung Quốc, người từng 5 lần vô địch thế giới trước đó, để giành quán quân, chấm dứt sự thống trị của cầu lông Trung Quốc 8 năm liền.
Ở tuổi 23, tay vợt người Đan Mạch lần đầu tiên được trải nghiệm vị trí số 1 thế giới, sau khi thể hiện màn trình diễn đỉnh cao để lên ngôi tại Super Series Nhật Bản với chỉ 1 set thua duy nhất.
Năm 2018-2019, Axelsen vẫn tiếp tục duy trì phong độ đỉnh cao của mình khi giành chức vô địch lần thứ 2 tại giải vô địch cầu lông châu Âu.
Hành trình vượt qua nỗi sợ hãi mắc Covid-19 của nhà vô địch Olympic
Ở giải vô địch cầu lông châu Âu diễn ra vào hồi tháng 4 năm nay, với tư cách hạt giống số 1 của giải, Axelsen bỏ lỡ cơ hội bảo vệ chức vô địch khi trong cuộc xét nghiệm của ban tổ chức, tay vợt người Đan Mạch đã nhận kết quả dương tính với Covid-19.
Không những không thể bảo vệ ngôi vô địch châu Âu, tay vợt này còn đối mặt với việc bỏ lỡ giấc mơ Olympic còn dang dở. Bởi sau đó chưa đầy 3 tháng, Thế vận hội tại Tokyo sẽ chính thức diễn ra. Nếu kịp bình phục, thời gian để Axelsen chuẩn bị cho giấc mơ vàng tại Olympic cũng không được quá kĩ càng.
Không chỉ bệnh tật, tâm lý cũng là vấn đề mà Axelsen thường xuyên phải đối mặt trong suốt sự nghiệp của mình. Để giải quyết vấn đề này, tay vợt người Đan Mạch đã thuê riêng một bác sĩ tâm lý để giúp anh đạt được trạng thái tốt hơn mỗi khi gặp vấn đề trong thi đấu tại kỳ Thế vận hội lần này.
Đến Tokyo với không ít sự nghi hoặc, Axelsen đáp trả những điều đó bằng phong độ đỉnh cao của mình. Anh giành chiến thắng 5 trận đấu trước khi bước vào trận chung kết mà không để thua bất cứ một set đấu nào.
Vào đến chung kết, Axelsen gặp lại đối thủ đã đánh bại anh ở bán kết và lên ngôi vô địch tại Olympic Rio 2016 là tay vợt Chen Long. Đã qua 5 năm, Axelsen đang ở độ tuổi chín nhất của sự nghiệp, còn đương kim vô địch Thế vận hội Chen Long đã cho thấy mình không còn nhanh nhẹn và sung mãn ở đội tuổi 32.
Khác biệt về mặt tuổi tác đã được Axelsen chuyển hoá một cách rất cụ thể. Anh giành chiến thắng thuyết phục 2-0 trước Chen Long, qua đó giúp người hâm mộ Đan Mạch chấm dứt chuỗi thời gian kéo dài 25 năm để được chứng kiến một tay vợt nước nhà có huy chương vàng đơn nam tại Thế vận hội.
Với thắng lợi này, Axelsen lật đổ sự thống trị của cầu lông Trung Quốc ở nội dung đơn nam. Trong 3 kỳ Olympic gần nhất, người đứng trên bục cao nhất đều là các vận động viên đến từ Trung Quốc.