Theo nguồn tin của VnExpress, trong 3 trường hợp mới nhất bị nghi ngờ dính doping có 2 VĐV là nữ, trong đó một người thuộc tổ chạy, từng giành thành tích cao ở đấu trường châu lục, một VĐV nam giành HCB SEA Games 31.
Qua mã số VĐV, Ban tổ chức SEA Games ở Việt Nam có thể xác định danh tính những người này. Tuy nhiên, họ chưa công bố mà chờ kết luận chính thức từ Cơ quan phòng chống doping thế giới WADA.
Như vậy, điền kinh là môn có nhiều VĐV được cho là dính doping nhất tại SEA Games 31 (5 trường hợp). Trước đó, Trung tâm phòng chống doping Việt Nam đã thông báo có 6 VĐV bị nghi ngờ dùng doping, trong đó có 2 nữ VĐV điền kinh (1 VĐV giành HCV tại đại hội thể thao khu vực).
Hiện, các VĐV Việt Nam dương tính mẫu A đã yêu cầu làm xét nghiệm mẫu B. Dự kiến, phòng xét nghiệm tại Thái Lan sẽ thực hiện điều này trong tháng 11. Đây sẽ được xem là căn cứ cuối cùng để xác định VĐV có hay không dính doping. Theo các nghiên cứu trước đây, Việt Nam hầu như không thể lật ngược tình thế, vì các cuộc xét nghiệm đều lấy từ một mẫu.
Trao đổi với VietNamNet, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn cho biết hiện Cơ quan chống doping quốc tế (WADA) chưa có thông báo cuối cùng về các trường hợp bị nghi ngờ dùng doping. Sau khi WADA thông báo chính thức, Tổng cục TDTT sẽ có công bố về những trường hợp sử dụng chất cấm.
Điền kinh Việt Nam thắng lớn tại SEA Games 31 khi bảo vệ thành công ngôi nhất toàn đoàn với tổng cộng 22 HCV, hơn đội xếp thứ nhì là Thái Lan tới 10 HCV. Tuy vậy, 5 trường hợp nghi ngờ sử dụng doping sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của điền kinh và thể thao Việt Nam trên đấu trường quốc tế.
Trong lịch sử, thể thao Việt Nam ghi nhận 19 trường hợp dính doping kể từ SEA Games 2003. Trong đó có một số ca điển hình như á quân Olympic Hoàng Anh Tuấn hay "Công chúa" thể dục dụng cụ Đỗ Thị Ngân Thương...
Đa số vận động viên dương tính doping vì thiếu hiểu biết và kỹ năng phòng chống doping ở mức tối thiểu, sử dụng thuốc có loại chất nằm trong danh mục chất cấm.
Minh Ngọc (Nguoiduatin.vn)