Trong một bài viết dài trên Phoenix Sports, nhà báo Feng Zhen đau lòng thừa nhận, thất bại 1-3 của ĐT Trung Quốc trước Việt Nam không làm ông bất ngờ.
“Là một phóng viên hơn 10 năm trong nghề, ngay trước trận đấu tôi đã biết rằng khả năng thua trận rất dễ xảy ra bởi dễ thấy cách biệt giữa hai bên”, Feng Zhen viết, “Nhìn xem, kỹ năng của các cầu thủ Trung Quốc rất thô lậu, không thể cầm bóng và chuyền hỏng nhiều. Nói trắng ra, họ thiếu những kỹ năng mà một cầu thủ cần phải có. Họ không có tài. Và họ chơi thứ bóng đá lạc hậu, không có sự liên kết, di chuyển bất hợp lý với nhịp độ cực chậm.
Còn Việt Nam thì ngược lại, với lối chơi hiện đại và có ý đồ. Đứng cạnh Trung Quốc, Việt Nam ai cũng trở thành thiên tài, những bậc thầy. Sự thật là bóng đá châu Á đã bước vào thời kỳ hiện đại hóa, nhưng Trung Quốc vẫn ở thời hồng hoang”.
Đến đây một câu hỏi cũ lại được đặt ra, rằng tại sao Trung Quốc vẫn không thể tạo nên một đội bóng tốt trong số 1,4 tỷ người? Theo cách tính toán đơn giản, tỷ lệ nhân tài cũng tăng theo dân số và dân số càng đông, nhân tài càng nhiều. Thật khó hiểu khi đất nước đông dân nhất thế giới vẫn vật lộn để trở thành một cường quốc bóng đá dù thống trị ở nhiều môn Olympic.
Nếu nói về mức độ quan tâm tới bóng đá, Trung Quốc không thua kém bất kỳ quốc gia nào trên thế giới. Như tối mùng Một (01/02), “Trung Quốc đấu Việt Nam”, “Trung Quốc thua Việt Nam” hay “Bi kịch ĐTQG” là những chủ đề phổ biến nhất trên mạng xã hội Trung Quốc. Tuy nhiên, có sự chênh lệch rất lớn giữa “dân số quan tâm” và “dân số tham gia”.
Giới trẻ Trung Quốc có nhiều mối quan tâm hơn là dành thời gian cho bóng đá. Số ít theo đuổi bóng đá rồi cũng rơi rụng dần theo thời gian bởi sự tách biệt giữa thể thao và giáo dục. Triển vọng thành công ở con đường bóng đá thấp hơn nhiều so với lựa chọn học đại học rồi đi làm. Ở Trung Quốc, vấn đề sinh kế đặt ra áp lực lớn và bắt buộc phải hạn chế rủi ro.
Vì vậy, phạm vi lựa chọn của ĐTQG không phải là trong số 1,4 tỷ dân. Thậm chí cũng không phải 100 triệu hay 10 triệu. Đó là lý do Trung Quốc phải dùng đến hạ sách nhập tịch, sau đó tiếp tục bỏ qua hạn ngạch chỉ dùng tối đa 2 cầu thủ ngoại trong đội hình xuất phát. Sau thất bại trước Việt Nam, chiến lược này không mang lại hiệu quả.
Bởi, vấn đề của bóng đá Trung Quốc, như Feng Zhen chỉ ra, còn liên quan đến trình độ tổ chức và hệ thống quản lý. Bóng đá Trung Quốc có xu hướng tách mình khỏi xu thế chung, vận hành với những quy tắc chẳng giống ai. Ví dụ như 2 năm qua, China Super League chơi theo mô hình tập trung với lịch thi đấu dày đặc lên đến 9 trận trong một tháng.
Tiếp theo, cả hệ thống sẵn sàng dừng lại để tập trung cho ĐTQG. Có tới 52 cầu thủ được triệu tập đến trại huấn luyện ở Thượng Hải trong 1 tháng để chuẩn bị cho 2 trận đấu với Nhật Bản và Việt Nam. Họ tập luyện dưới sự chỉ đạo của 15 trợ lý HLV để đến ngày cuối cùng, một trợ lý HLV khác xuất hiện (Pep Munoz) và đưa ra chiến thuật chính thức.
Giờ thì tất cả đều thống nhất bóng đá Trung Quốc đã chạm đáy sau thất bại thảm họa ở Mỹ Đình. Nhưng tiếp theo là gì? Feng Zhen nói rằng trận thua trước Việt Nam không đồng nghĩa với ngày tận thế. Chỉ lo rằng sẽ không có nước mắt thực sự, và những người có trách nhiệm không dám xé bỏ để làm lại từ đầu. Trong khi đó, người hâm mộ sau khi chán nản quá nhiều sẽ không còn quan tâm đến bóng đá Trung Quốc nữa, và “dân số tham gia” bóng đá sẽ lại càng ít hơn.
Theo Thanh Hải (Tiền Phong)
https://tienphong.vn/vi-sao-trung-quoc-khong-the-tao-ra-doi-bong-tot-tu-1-4-ty-nguoi-post1413830.tpo