Các HLV nước ngoài khi mới dẫn dắt các tuyển thủ VN thường ít nắm bắt được đặc điểm cơ địa của cầu thủ Việt và tố chất về thể lực, sức chịu đựng lẫn thói quen nên ít tính toán được lượng vận động nhồi vào.
Thực chất thì bóng đá VN có thời lượng tập lẫn thi đấu rất nhẹ và ít. Ngay ở các CLB, những thầy ngoại về dẫn dắt cũng thường thừa nhận điều đấy. Thế nên khi U-23 tập trung sau V-League, HLV Park Hang-seo vừa “siết” vài bài tập thể lực là nhiều cầu thủ… “rụng” ngay và có vấn đề về chấn thương. Điều này các HLV ngoại như Falko Goetz, Toshiya Miura cũng từng đối mặt với hiện tượng cầu thủ lên tuyển tập nặng và chấn thương hàng loạt.
Điều đấy không nằm ngoài thực trạng U-23 VN hiện nay dưới thời HLV Park Hang-seo. Ông vừa nhấn vài bài sức mạnh để chuẩn bị cho giải quốc tế M-150 là lập tức hàng loạt cầu thủ chấn thương khiến đội U-23 VN có lúc bị ví như một bệnh viện và buộc phải trả nhiều cầu thủ về CLB.
Qua các đời HLV ngoại, đến nay chỉ có HLV Calisto là “hiểu” và điều chỉnh được giáo án, do sống với bóng đá VN lâu năm từ thời còn làm CLB Đồng Tâm Long An nên rất hiểu cơ địa, khả năng chịu đựng và thói quen của cầu thủ VN. Khi đội tuyển hay U-23 tập trung ngay sau một mùa giải, thường thì HLV người Bồ Đào Nha này chủ yếu cho cầu thủ tập nhẹ, hồi phục, sau đó đủ thời gian hồi phục tích cực rồi mới tăng khối lượng dần… Điều mà nhiều HLV nước ngoài cứ mặc định mặt bằng sức mạnh, sức bền cầu thủ VN như cầu thủ chuyên nghiệp nên chuốc lấy hiện tượng chấn thương hàng loạt làm nên “bão chấn thương”, khiến quân số đội tuyển phải được bổ sung gấp rút.
Không loại trừ giải M-150 tại Thái Lan, thầy Park Hang-seo sẽ không có được lực lượng cầu thủ như mong muốn và cũng không có được mặt bằng thể lực tốt nhất cho những trận đấu với U-23 Myanmar và U-23 Uzbekistan.
Theo Tấn Phước (Pháp Luật TPHCM)