Vì sao Thạch Kim Tuấn thất bại thê thảm ở Olympic 2016?

09/08/2016 08:15:00

Sau Hoàng Xuân Vinh, Thạch Kim Tuấn chính là niềm hy vọng huy chương còn lại của đoàn thể thao Việt Nam (TTVN). Tự tin sẽ chinh phục ít nhất là tấm HCĐ, nhưng cuối cùng lực sĩ đang đầu quân cho TP HCM lại thất bại theo một kịch bản ít ai nghĩ tới.

Sau Hoàng Xuân Vinh, Thạch Kim Tuấn chính là niềm hy vọng huy chương còn lại của đoàn thể thao Việt Nam (TTVN). Tự tin sẽ chinh phục ít nhất là tấm HCĐ, nhưng cuối cùng lực sĩ đang đầu quân cho TP HCM lại thất bại theo một kịch bản ít ai nghĩ tới.

Ngay trước khi Olympic 2016 chính thức diễn ra, TTVN nhận tin không vui khi VĐV chủ lực Thạch Kim Tuấn tái phát chấn thương đầu gối. Thông tin từ lãnh đạo đoàn TTVN, Kim Tuấn đã được các bác sĩ kiểm tra. Dù mức độ chấn thương không nặng nhưng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thành tích của lực sĩ này.

 Thạch Kim Tuấn đã đánh mất chính mình ở Olympic 2016
Thạch Kim Tuấn đã đánh mất chính mình ở Olympic 2016

Từ Brazil, Phó vụ trưởng vụ thể thao thành tích cao 2, trưởng bộ môn cử tạ Tổng cục TDTT Đỗ Đình Kháng cho biết, trong suốt thời gian tập huấn tại Mỹ, có thể nói với điều kiện cơ sở vật chất cũng như khoa học thể thao hàng đầu, Thạch Kim Tuấn đã bình phục gần như hoàn toàn. Tuy nhiên, với việc tái phát chấn thương thì Kim Tuấn khó có thể đạt thành tích như mong muốn. Thực tế thì tất cả đã thấy, Kim Tuấn thi đấu dưới sức mình ở cả hai nội dung giật và đẩy. Thậm chí ở cử đẩy anh còn không thực hiện được mức tạ nào.“Thi đấu ở sân chơi lớn như Olympic không thể nói trước được điều gì,phải đợi khi cuộc tranh tài diễn ra”, Ông Kháng nói.

Về trường hợp tái phát chấn thương của Kim Tuấn ngay trước thời điểm Olympic diển ra, Trưởng đoàn Trần Đức Phấn cho biết những ngày qua kế hoạch tập luyện của VĐV này đã được điều chỉnh lại cho phù hợp. Theo báo cáo của HLV Huỳnh Hữu Chí, Tuấn vẫn có thể thực hiện những lần cử có mức tạ cao.

Tuy nhiên, khi bước vào thi đấu, rõ ràng Thạch Kim Tuấn đã không có thể lực tốt nhất. VĐV đoạt HCĐ hạng cân 56 kg là Sinphet Kruaithong của Thái Lan chỉ đạt tổng cử 289 kg (132 cử giật, 157 cử đẩy). Đây là mức mà Thạch Kim Tuấn vẫn thường vượt qua khi tập luyện.

“Chấn thương luôn là nỗi ám ảnh rất lớn cho bất kỳ VĐV nào nên tôi đã căn dặn rất cẩn thận với ban huấn luyện các đội tuyển là phải tuyệt đối giữ gìn cho các nhân tài Việt Nam”, ông Phấn chia sẻ.

Tâm lý

Ngoài chấn thương, thì vấn đề tâm lý và khả năng thực sự của Thạch Kim Tuấn cũng được đặt ra sau thất bại tại Olympic. Nhìn khuôn mặt Kim Tuấn luôn căng thẳng hơn so với các đối thủ. Điều được thể hiện rất rõ sự tâm lý của lực sĩ này, khi anh thực hiện đều không thành công ở lần cử đầu tiên của giật và đẩy.

 Nỗi buồn của Thạch Kim Tuấn
Nỗi buồn của Thạch Kim Tuấn

Thường thì các VĐV sẽ gặp sức ép, bị tâm lý cực nặng nếu không thực hiện thành công ở lượt cử đầu tiên, bởi trong môn cử tạ mỗi nội dung chỉ được nâng tối đa 3 lần.

Thạch Kim Tuấn chỉ vượt qua mức cử đẩy 130 kg, thất bại ở mức 133 kg. Còn ở cử giật, anh thất bại trong cả 3 lần nâng tạ với 2 mức 157 kg và 160 kg.

Theo giới chuyên môn đánh giá, chỉ cần Thạch Kim Tuấn thi đấu với hơn 90% sức lực, anh chắc chắn có huy chương. Mức tổng cử của VĐV người Thái Lan là 289kg hoàn toàn có thể bị Tuấn đánh bại.

Nhưng trong thi đấu đúng là không thể nói trước, nhất là việc các VĐV Việt Nam thường bị tâm lý rất nặng khi thi đấu ở những giải lớn.

“Một trong những hạn chế của thể thao Việt Nam hiện nay là công tác chuẩn bị tâm lý cho VĐV. Chúng ta hoàn toàn chưa có các HLV chuyên làm công tác tâm lý cũng như các nhà tâm lý để giúp các VĐV trong quá trình tập luyện và đặc biệt là trong lúc thi đấu”, trưởng đoàn Trần Đức Phấn thừa nhận.

Theo B.Tường (Dân Trí)

Nổi bật