Trước khi bước vào giải U23 châu Á 2018, U23 Việt Nam chỉ được đánh giá là “kẻ lót đường”. Tuy nhiên, thầy trò HLV Park Hang Seo đã khiến giới chuyên môn và người hâm mộ trên toàn châu lục phải đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Sau khi khiến U23 Hàn Quốc nhọc nhằn giành chiến thắng ngược dòng với tỷ số 2-1 ở trận mở màn vòng bảng, U23 Việt Nam lần lượt đánh bại U23 Australia với kết quả 1-0 và cầm hòa U23 Syria 0-0.
Ở trận tứ kết, U23 Việt Nam cầm hòa U23 Iraq 3-3 sau 120 phút trước khi hạ đối thủ 5-3 trên loạt đá luân lưu. Tại vòng bán kết, Xuân Trường và các đồng đội hòa 2-2 với U23 Qatar sau 120 phút rồi vượt qua đối thủ 4-3.
Những thành tích vang dội này giúp U23 Việt Nam thẳng tiến vào chơi ở trận chung kết vào chiều 27/1. Đối thủ của chúng ta ở trận tranh ngôi vô địch là U23 Uzbekistan.
Theo nhận định của giới chuyên môn, nguyên nhân chính giúp U23 Việt Nam chơi thăng hoa là nhờ có đấu pháp chiến thuật phòng ngự, phản công bài bản và khoa học của HLV Park Hang Seo. Bên cạnh đó, nhà cầm quân 59 tuổi đã giúp nền tảng thể lực của các học trò được cải thiện rõ rệt trong quãng thời gian qua.
Ngoài ra, phải kể đến những yếu tố như sự hưng phấn, sự tự tin cao độ của các cầu thủ U23 Việt Nam. Thêm vào đó, việc chúng ta bị đánh giá là đội bóng “chiếu dưới” trong tất cả các trận đấu nên các đối thủ hay xem thường và có phần chủ quan mỗi khi đối đầu.
Thêm một yếu tố khác phải kể đến là tinh thần thi đấu của các cầu thủ U23 Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt tại giải U23 châu Á. Từ trước đến nay, bóng đá Việt Nam thường hay “run sợ” mỗi khi gặp các đối thủ lớn. Đặc biệt là khi bị dẫn bàn trước, chúng ta thường hay bị “vỡ trận” và để thua đậm.
Tuy vậy, sau quãng thời gian làm việc cùng HLV Park Hang Seo, Công Phượng và các đồng đội đã “lột xác” và trở thành những “chiến binh” không bao giờ biết lùi bước. Tuy đã nhiều lần bị đối thủ dẫn trước nhưng các chàng trai áo đỏ vẫn chiến đấu không ngừng nghỉ để giành được kết quả ngoài tưởng tượng.
Chứng kiến những màn trình diễn vô cùng ấn tượng của U23 Việt Nam tại giải U23 châu Á 2018, nhiều phương tiện truyền thông của Hàn Quốc đã lên tiếng ca ngợi tài cầm quân của HLV Park Hang Seo.
Mới đây, tờ Sportalkorea có bài viết với dòng title: “Bí mật đằng sau ma thuật của Park Hang Seo ở U23 Việt Nam”. Tờ báo này cho rằng, khả năng chịu đựng áp lực, tinh thần thi đấu kiên cường, sở hữu nhiều tài năng, lối chơi tốc độ, dứt điểm hiệu quả là những yếu tố giúp đội bóng áo đỏ gặt hái thành công.
Theo Sportalkorea, chiến công của U23 Việt Nam còn đến từ sự chuẩn bị kỹ lưỡng của thầy trò HLV Park Hang Seo. Đồng thời, nhà cầm quân sinh năm 1959 luôn nhận định đúng điểm mạnh, điểm yếu của đối thủ để đưa ra những chỉ đạo chiến thuật và điều chỉnh nhân sự hiệu quả.
Tuy nhiên, khi còn làm việc ở Hàn Quốc, “ma thuật” trong công việc huấn luyện của Park Hang Seo đã không được phát huy. Quãng thời gian thành công nhất của HLV 59 tuổi là khi ông làm trợ lý cho Guus Hiddink tại World Cup 2002, giải đấu mà đội tuyển Hàn Quốc trở thành quốc gia đầu tiên của châu Á đoạt hạng 4 tại World Cup 2018.
Khi dẫn dắt tuyển U23 Hàn Quốc, HLV Park Hang Seo giúp đội bóng giành HCĐ tại ASIAD 2002. Trong năm đó, ông Park chia tay U23 Hàn Quốc.
Nhưng cần phải nhắc lại rằng, thời điểm 2002, Hàn Quốc đã trở thành một thế lực hàng đầu châu Á nên việc đội nhà chỉ giành HCĐ được xem là thất bại. Mãi đến năm 2005, ông chuyển sang dẫn dắt Gyeongnam FC nhưng không giành được danh hiệu nào.
Từ năm 2008-2010 , Park Hang Seo cầm quân cho Chunnam Dragons nhưng chẳng gặt hái được thành công nào. Sau khi nghỉ ngơi 2 năm, ông Park chuyển sang dẫn dắt Sangju Sangmu Phoenix và giúp đội bóng này lên ngôi vô địch K-League Challenge (giải đấu hạng 2 của Hàn Quốc) vào năm 2015.
Hai năm sau khi rời Sangju Sangmu Phoenix, Park Hang Seo cập bến Changwon FC vào năm 2017. Ngày 11/10/2017, ông nhận lời dẫn dắt ĐT Việt Nam và U23 Việt Nam. Như vậy, sau hơn 10 năm dẫn dắt 4 CLB tại Hàn Quốc, HLV Park Hang Seo chỉ có được 2 danh hiệu. Nguyên nhân chính khiến ông không có được thành công vang dội là do ông chỉ dẫn dắt các đội bóng yếu.
Trong lịch sử các giải VĐQG trên thế giới, phần lớn những CLB giành chức vô địch đều sở hữu lực lượng mạnh bậc nhất giải đấu. Ngoài ra, đội hình của họ cũng phải có chiều sâu để các HLV dễ dàng có sự lựa chọn thay thế trong trường hợp các trụ cột gặp chấn thương.
Bên cạnh đó, khi dẫn dắt các đội bóng thi đấu tại giải VĐQG mang tính dài hơi, những toan tính về chiến thuật hoàn toàn khác so với các giải đấu cúp. Ngoài đấu pháp chiến thuật trong từng trận đấu, các HLV còn phải biết cách giúp học trò duy trì phong độ, thể lực và sự hưng phấn trong suốt cả mùa giải.
Thêm một lý do khác, đó là các đội bóng thi đấu cùng giải VĐQG đã quá hiểu nhau. Vì vậy, trước mỗi cuộc so tài, các HLV thường biết rõ điểm mạnh, điểm yếu của đối thủ. Điều đó khiến khả năng gây bất ngờ của các CLB do Park Hang Seo dẫn dắt khó có thể giống như U23 Việt Nam tại giải U23 châu Á.
Ngoài ra, điều may mắn của HLV Park là ông đang sở hữu lứa cầu thủ tài năng từng tham dự U20 thế giới cùng dàn cầu thủ dạn dày có nhiều năm chinh chiến ở V-League. Hơn nữa, đến với giải U23 châu Á, U23 Việt Nam bị xếp là yếu nhất nên các đội bóng khác cũng có phần chủ quan, coi thường.
Hy vọng, chiều nay 27/1, HLV Park Hang Seo sẽ tiếp tục viết tiếp giấc mơ câu chuyện cổ tích dành cho bóng đá Việt Nam ở sân chơi tầm châu lục.
Theo Hữu Chí (Saostar.vn)