Vì sao ĐT nữ chưa có cầu thủ Việt kiều?

21/07/2022 10:52:09

Với cộng đồng người Việt đông đảo trên thế giới, chúng ta không thiếu những nữ cầu thủ Việt kiều vừa có chuyên môn cao vừa khao khát trở về khoác áo ĐT Việt Nam. Nhưng lý do gì nguồn lực dồi dào này đang bị lãng phí?

Không phải đợi đến bây giờ, khi ĐT nữ Việt Nam thảm bại trước dàn cầu thủ lai của Philippines, vấn đề chiêu mộ cầu thủ Việt kiều mới được đặt ra.

Vì sao ĐT nữ chưa có cầu thủ Việt kiều? ảnh 1

Bóng đá nữ Việt Nam có thể bổ sung lực lượng cầu thủ gốc Việt khá hùng hậu

Vào năm 2019, Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh đã tuyên bố “cánh cửa luôn mở rộng để đón các cầu thủ nữ Việt kiều có khả năng chuyên môn cũng như khát vọng cống hiến cho màu áo ĐTQG”, đồng thời ông coi đây “là nguồn lực để gia tăng sức cạnh tranh cho đội nữ tại các đấu trường quốc tế”.

 

Dựa trên thống kê năm 2020, có khoảng 5,3 triệu người sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Con số này còn nhiều hơn dân số của 112 quốc gia trên thế giới, đủ lớn để tạo nên nguồn lực vô cùng phong phú cho ĐT Việt Nam.

Nhiều năm trước cái tên Alexandra Huỳnh đã được đề cập. Hậu vệ sinh năm 1994 tại Australia từng chơi ở châu Âu trước khi trở lại xứ sở chuột túi. Từng 1 lần đại diện cho Australia nhưng theo quy định mới của FIFA, Alexandra vẫn đủ điều kiện chơi cho ĐT nữ Việt Nam, điều mà cô khao khát được trải nghiệm.

Tại Mỹ, chúng ta có tiền vệ Katie Duong hiện khoác áo ĐH Stanford, người từng được bình chọn là Cầu thủ xuất sắc nhất giải trung học toàn nước Mỹ với kỷ lục 35 đường kiến tạo cùng 26 bàn thắng. Ở đội trẻ ĐH Stanford còn có Samantha Tran, một tiền đạo đầy hứa hẹn.

Ngoài ra còn Victoria Tran, tiền vệ của Trường Hải quân Hoa Kỳ đã 2 lần vô địch Patriot League. Sophia Nguyen (ĐH Florida) là cái tên nổi bật khác bên cạnh Jayden Nguyen (ĐH Western Washington), Amber Nguyen (ĐH Vanderbilt).

Hồi 2019 đã có hai chị em Chelsea và Kyah Le từ Mỹ về Việt Nam thử việc ở đội U19. HLV Ijiri Akira của U19 khi ấy và HLV Mai Đức Chung đều đánh giá rất cao. Thế nhưng 3 năm trôi qua kể từ đó, họ vẫn chưa một lần khoác áo ĐT Việt Nam dù rất mong muốn. Nhìn lại, công tác chiêu mộ cầu thủ Việt kiều vẫn giẫm chân tại chỗ.

Nguyên nhân xuất phát từ khâu thủ tục. Các cầu thủ Việt kiều phải đáp ứng điều kiện “thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch”. Điều này là bất khả thi. Hồi năm ngoái, Alexandra Huynh nói rằng “nếu nhập tịch chỉ đơn giản là ký tá giấy tờ, tôi sẽ lập tức cân nhắc. Có điều trên thực tế, nó phức tạp hơn bạn nghĩ, liên quan đến thời gian cư trú”.

Vì chính sách và luật định, VFF cũng không thể làm gì hơn. Và chúng ta chỉ có thể tiếp tục chờ, hy vọng các thủ tục sớm được đơn giản hóa để được chứng kiến các tài năng gốc Việt tỏa sáng ở ĐT nữ một ngày không xa.

Theo Thanh Hải (Tiền Phong)

Nổi bật