Thất bại của HLV Park Hang-seo trong chuyến đi Na Uy gặp Alexander Đặng, những vụ việc liên quan tới Filip Nguyễn, Jason Quang-Vinh Pendant không có tiến triển là bằng chứng cho thấy cầu thủ Việt kiều lên tuyển Việt Nam vẫn là câu chuyện không hề dễ dàng.
3 năm sau ngày Văn Lâm được HLV Nguyễn Hữu Thắng triệu tập, tận dụng nguồn lực Việt kiều ở V.League và đội tuyển Việt Nam vẫn luôn là câu chuyện nhức nhối. Vì nhiều lý do khác nhau, bóng đá Việt Nam chưa thể tìm thấy Đặng Văn Lâm thứ hai.
Hiểu lầm về trình độ
Vấn đề đầu tiên của các cầu thủ Việt kiều là trình độ. Nói như HLV Mai Đức Chung, nhiều cầu thủ Việt kiều đã không có hình dung chính xác về trình độ của V.League và tuyển Việt Nam. Phần lớn cầu thủ Việt kiều được ăn tập ở châu Âu, nhưng chỉ thi đấu cho các đội hạng 3, hạng 4 thậm chí bán chuyên.
Họ đến từ các nền bóng đá phát triển, nhưng trình độ cá nhân không đạt tới đẳng cấp tuyển Việt Nam hay thậm chí chưa ngang mặt bằng V.League. Họ chưa từng chơi bóng tại Việt Nam, không có đủ thông tin về V.League nên đều nghĩ rằng mình sẽ dễ dàng hòa nhập thậm chí vượt trội các nội binh.
Đặng Văn Lâm trong bài phỏng vấn hồi Asian Cup 2019 từng kể lại: “Tôi về Việt Nam với tâm lý gần như kiêu hãnh. Đây không chỉ là tự tin mà kiêu hãnh. Tôi nghĩ không phải họ mà là tôi sẽ lựa chọn giữa hàng tá các CLB săn đón ký hợp đồng. Tôi đơn giản là chỉ tìm kiếm trên Internet địa chỉ các CLB và muốn đến cùng với điều kiện hợp đồng do tôi đưa ra”.
Trên thực tế, Văn Lâm khi mới về Việt Nam hồi 2011 còn nhiều hạn chế. Anh lang bạt qua nhiều CLB khác nhau và phải tới năm 2016 mới được bắt chính tại Hải Phòng. Đến lúc đó, Văn Lâm vẫn kém Nguyên Mạnh khá nhiều và phải dự bị ở tuyển quốc gia.
Rất nhiều cầu thủ Việt kiều chỉ nhận thức được sự chênh lệch khi đã trải nghiệm không khí V.League. Keven Nguyễn trong lần chia sẻ với Zing.vn từng nói: “Điều đó là sự thật. V.League thực sự là giải đấu khó nhằn. Tôi tin nhiều cầu thủ Việt Kiều đã không hiểu chính xác về bóng đá Việt Nam, về sự khốc liệt của giải đấu”.
Ở chiều ngược lại, VFF cũng không có cơ hội đánh giá chính xác trình độ của các cầu thủ Việt kiều. Thứ nhất, cầu thủ Việt kiều thường chơi ở các đội hạng dưới với nguồn thông tin hạn chế. Thứ hai, VFF chưa có đủ đội ngũ tuyển trạch viên để theo dõi hết các tài năng này. Thứ ba, hầu hết tuyển thủ Việt Nam đều chơi tại V.League, nên Liên đoàn không có thói quen và quy trình hợp lý để theo dõi các tài năng đá ở nước ngoài, nhất là khi họ chưa phải tuyển thủ.
Nhìn việc HLV Park Hang-seo phải trực tiếp ra nước ngoài “xem giò” các ngôi sao Việt kiều là đủ hiểu, VFF chưa hoàn toàn chủ động trong chuyện này.
Không phải người giới thiệu nào cũng có chuyên môn.
HLV Mai Đức Chung
Với người hâm mộ và giới chuyên môn ở Việt Nam, hiểu biết về cầu thủ Việt kiều thường chỉ tới qua một số thông tin trên Internet, các đoạn phim ngắn trên YouTube và nhất là sự đảm bảo của người giới thiệu. Các thông tin này đều mơ hồ và không đầy đủ. Bởi các đoạn phim trên mạng thường chỉ tập trung vào những pha xử lý cá nhân của cầu thủ, nó không cho thấy cách di chuyển, khả năng phối hợp, năng lực quan sát khi cầu thủ không cầm bóng.
Còn người giới thiệu đa phần không phải nhà chuyên môn. Những trường hợp như HLV Mai Đức Chung - vừa là chuyên gia bóng đá, vừa là nhà giới thiệu - rất hiếm gặp. Một cầu thủ Việt kiều có thể chơi hay ở các giải hạng thấp hay trình diễn siêu việt trên YouTube. Tuy nhiên, khi ghép vào môi trường chuyên nghiệp, đối mặt với các cầu thủ trình độ cao, năng lực thật sự của họ sẽ bộc lộ.
Cầu thủ Việt kiều hiểu sai về bóng đá Việt, VFF không có điều kiện theo dõi phong độ của họ, sự “lệch pha” ấy là rào cản đầu tiên ngăn cản những tài năng mang dòng máu Việt trở về nước.
Rào cản ngôn ngữ và khác biệt văn hóa
HLV Mai Đức Chung từng kể kỷ niệm về lần đầu tiên gặp Mạc Hồng Quân. Ông bảo: “Khi chúng tôi gặp nhau, Quân nói được tiếng Việt luôn. Điều đó là rất tốt”.
Tiếc rằng những người như Mạc Hồng Quân không có nhiều. Đặng Văn Lâm chỉ nói được vài câu cơ bản khi mới về Hải Phòng, Keven Nguyễn vẫn nói tiếng Anh cho tới ngày rời Việt Nam, Đặng Văn Robert hay Michal Nguyễn đã lên tuyển dưới thời Toshiya Miura nhưng giao tiếp cũng cực kỳ hạn chế.
Ngay ở tuyển quốc gia, HLV Park Hang-seo cũng chỉ có một phiên dịch tiếng Anh và một phiên dịch tiếng Việt. Ở các CLB, mỗi đội V.League thường chỉ có 1 phiên dịch cho HLV trưởng và toàn bộ ngoại binh. Thực tế ấy khiến các cầu thủ Việt kiều gặp nhiều khó khăn trong giao tiếp. Không biết tiếng Việt, tương tác giữa họ và cầu thủ nội không khác gì các ngoại binh nước ngoài.
Không chỉ giao tiếp, sự khác biệt về lối sống, văn hóa trong và ngoài sân cũng là những vấn đề lớn mà cầu thủ Việt kiều phải đối mặt. Thủ thành Đặng Văn Lâm từng kể lại: “Ở Nga, thậm chí ngay cả ở trường năng khiếu bóng đá, bạn có thể bình tĩnh đến gặp HLV và giải thích quan điểm của mình tại sao bạn lại hành động như vậy. HLV hiểu rằng chàng trai này tự tin, biết giải thích quan điểm có nghĩa đấy là người biết suy nghĩ. Ở châu Á thì hoàn toàn khác. HLV luôn đúng và bạn không nên tranh cãi với ông ấy”.
Tiền vệ Việt kiều Keven Nguyễn cũng chia sẻ quan điểm tương tự: “Cá tính cầu thủ Việt Nam rất khác cầu thủ Việt kiều. Chúng tôi suy nghĩ khác hẳn cầu thủ Việt. Anh thấy Michal Nguyễn vừa chuyển tới Thái Lan không? Anh ấy đã hạnh phúc khi không còn phải ở lại Việt Nam”.
Khó khăn khi nhập quốc tịch
Khi đã vượt qua được rào cản về trình độ và lối sống, quốc tịch là câu chuyện lớn kế tiếp mà các cầu thủ Việt kiều phải đối mặt ở Việt Nam.
Các cầu thủ Việt kiều đều có bố hoặc mẹ hoặc ông, bà mang dòng máu Việt Nam. Tuy nhiên, không phải ai cũng có sẵn quốc tịch Việt Nam ngay từ đầu. Quy định về quốc tịch khác nhau ở mỗi nước và mỗi Liên đoàn khiến các cầu thủ Việt kiều phải trải qua nhiều thủ tục phức tạp để nhập tịch Việt Nam.
Cụ thể với trường hợp của Filip Nguyễn, HLV Mai Đức Chung xác nhận: “VFF hiện chỉ hỗ trợ thôi, gia đình sẽ phải tự lo lấy chuyện quốc tịch”.
Tự làm quốc tịch là nhiệm vụ rất khó khăn với các cầu thủ Việt kiều và gia đình. Bất đồng ngôn ngữ, vấn đề tiền bạc, thủ tục hành chính và khoảng cách địa lý khiến công việc trở nên cực kỳ phức tạp.
Cũng liên quan tới chuyện quốc tịch, nhiều cầu thủ Việt kiều ban đầu phải chơi ở V.League với tư cách người nước ngoài. Khi ấy, họ bị tính là ngoại binh, phải cạnh tranh trực tiếp với các cầu thủ “đánh thuê” to cao từ châu Âu và châu Phi. Trình độ của họ có thể trội hơn cầu thủ Việt nhưng so với những ông “Tây” như Pape Omar - từng đá Champions League, hay Oseni Ganiyu - cựu tuyển thủ U23 Nigeria, đó thực sự là thách thức.
Cạnh tranh với các đội tuyển quốc gia
Những người theo dõi V.League lâu năm sẽ nhận ra Việt kiều tìm đường về nước thường là những cầu thủ hạng hai. Họ thường chơi bóng ở các CLB ít danh tiếng, không có cơ hội lên đội tuyển quốc gia sở tại. Dù nhiều người luôn nói về tình yêu dành cho dải đất hình chữ S, sự thật là họ sẽ chỉ được thi đấu quốc tế khi khoác áo tuyển Việt Nam.
Tuy nhiên, không phải cầu thủ Việt kiều nào cũng như vậy. Và chính các trường hợp ngoại lệ mới là những ngôi sao bóng đá Việt Nam thực sự muốn có.
Filip Nguyễn đang chơi cực hay tại Slovan Liberec và được ủng hộ lên tuyển CH Czech hay Lee Nguyễn từng chơi ở HAGL và có 9 trận khoác áo tuyển Mỹ là những ví dụ cụ thể. Nếu phải chọn giữa CH Czech - đẳng cấp World Cup, hạng 48 thế giới - và tuyển Việt Nam, Filip Nguyễn sẽ chọn thế nào? Đặt trong so sánh với các đội tuyển ấy, bóng đá Việt Nam có rất ít cơ hội.
Một yếu tố khác cũng khiến cầu thủ Việt kiều gặp khó ở Việt Nam là lịch sử không thân thiện. Sau AFF Cup 2008, tuyển quốc gia từng gọi lên một số cái tên nhập tịch như Huỳnh Kesley Alves, Phan Văn Santos. Trong quá trình tập trung và thi đấu, những cầu thủ nhập tịch này đã tạo nên một số vấn đề. Sau này, không còn cầu thủ nhập tịch nào được gọi.
Trao đổi về khả năng đưa cầu thủ nhập tịch và Việt kiều trở lại tuyển quốc gia hồi năm 2017, Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn từng nói: “Mục tiêu của chúng tôi là phải xây dựng một đội tuyển quốc gia có bản sắc, các cầu thủ phải đáp ứng được những nhu cầu về chuyên môn. Câu chuyện bản sắc bao gồm nhiều vấn đề như văn hóa, ngôn ngữ và nhiều yếu tố khác”.
Dựa trên chia sẻ của ông Tuấn, những cầu thủ không nói được tiếng Việt, không hiểu được tinh thần Việt Nam, không tương tác được với các đồng đội sẽ khó lòng thuyết phục VFF.
Những người ủng hộ cầu thủ Việt kiều lên tuyển sẽ nói nhiều về Đặng Văn Lâm. Tuy nhiên, Lâm “Tây” đã về Việt Nam từ đầu thập kỷ, trải qua 5 năm dài đằng đẵng, chịu bao cay đắng, trưởng thành từ một cầu thủ trẻ thành ngôi sao trước khi khoác lên mình màu áo tuyển Việt Nam.
Những cầu thủ Việt kiều khác như Filip Nguyễn có kiên nhẫn được vậy không khi trước mặt vẫn còn quá nhiều rào cản?
Khi câu hỏi ấy chưa được trả lời, tận dụng nguồn lực Việt kiều vẫn là điều xa vời với bóng đá Việt Nam.
Theo Minh Chiến - Hà My (Tri Thức Trực Tuyến)